Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ngày càng đến gần, để có thể giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn thi, thì hôm nay Vanmau.com xin giới thiệu tài liệu bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội.
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách viết bài văn nghị luận xã hội lớp 12 thật hay. Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết cùng với 3 bài văn mẫu nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội, mời các bạn cùng tham khảo.
Dàn ý nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội.
II. Thân bài:
a. Giải thích về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội
b. Nêu biểu hiện và thực trạng của hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội
– Dưới màn hình máy tính, đề tài mà họ bàn luận vô cùng phong phú, đa dạng:
+ đó có thể là những nhận xét về nhan sắc, ngoại hình hay tài năng.
+ đó có thể là những công kích, sự soi mói đời sống riêng tư của người khác với thái độ miệt thị, giễu cợt.
– Thế hệ “anh hùng bàn phím” sẵn sàng đưa ra những đánh giá, bình luận một cách cảm tính mà dù không hiểu rõ sự tình.
c. Phân tích tác hại của hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội
– Gây ra những hậu quả thực, nỗi đau thực cho con người.
– Những “anh hùng bàn phím” đã vô tình vi phạm những giá trị đạo đức: không biết đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những khiếm khuyết, sai lầm của người khác.
– Ảnh hưởng tiêu cực đến nền an ninh và trật tự xã hội.
d. Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội
– Việc lạm dụng các phương tiện như Facebook sẽ sản sinh ra những “anh hùng bàn phím”.
– Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự cho bản thân phán xét, đánh giá người khác
e. Bài học nhận thức và hành động
– Ý thức rõ tác hại của việc phát ngôn, đánh giá theo cảm tính, bừa bãi.
– Có những biện pháp quản lý thời gian hiệu quả hơn, biết sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý,
III. Kết bài:
Khẳng định lại tác hại của hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội.
Nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội – Mẫu 1
Sự ra đời của mạng xã hội đã đưa đến nhiều tiện ích như giúp con người nắm bắt, cập nhật thông tin nhanh hơn, kết nối với nhau dễ dàng và rộng khắp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tiêu cực như sống ảo,… và đặc biệt là sản sinh ra những “anh hùng bàn phím”. Từ thực tế hiện nay, chúng ta có thể khẳng định hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội đã trở thành một vấn đề nóng đáng được quan tâm.
“Anh hùng bàn phím” là cụm từ để chỉ những người bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình một cách tự do, thoải mái và thậm chí quá đà qua việc ngồi trước màn hình máy vi tính. Bằng cách này, họ sẵn sàng và nhiệt tình tranh luận, bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó với thái độ không cần biết phải – trái, đúng – sai.
Thực tế hiện nay cho thấy, thế hệ “anh hùng bàn phím” đang gia tăng về số lượng. Dưới màn hình máy tính, đề tài mà họ bàn luận vô cùng phong phú, đa dạng, đó có thể là những nhận xét về nhan sắc, ngoại hình hay tài năng; đó có thể là những công kích, sự soi mói đời sống riêng tư của người khác với thái độ miệt thị, giễu cợt. Thế hệ “anh hùng bàn phím” sẵn sàng đưa ra những đánh giá, bình luận một cách cảm tính mà dù không hiểu rõ sự tình. Thậm chí là sử dụng những lời lẽ khiếm nhã, tiêu cực để công kích, khiêu khích.
Những bình luận mà “anh hùng bàn phím” tạo nên trên mạng xã hội ảo lại gây ra những hậu quả thực, nỗi đau thực cho con người. Trước hết, họ đã làm tổn thương người khác, khiến nạn nhân cảm thấy tự ti, xấu hổ, mặc cảm về bản thân mình. Và rõ ràng, những “anh hùng bàn phím” đã vô tình vi phạm những giá trị đạo đức: không biết đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những khiếm khuyết, sai lầm của người khác; đồng thời xâm phạm quá sâu vào đời sống riêng tư của họ. Thời gian gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc không ít ca sĩ, diễn viên tìm đến cái chết để trốn tránh những áp lực từ dư luận. Thậm chí, không ít bạn trẻ đang trong độ tuổi 18, đôi mươi cũng đã tìm đến cái chết chỉ vì những lời nói công kích và làn sóng tẩy chay của những anh hùng bàn phím. Như vậy, thế hệ anh hùng bàn phím đã vô hình tạo ra những áp lực ám ảnh, thậm chí siết chặt lấy tâm trí của những nạn nhân, khiến họ chán nản, bế tắc, khủng hoảng về tinh thần. Đồng thời, hiện tượng này còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền an ninh và trật tự xã hội. Không ít những vụ ẩu đả, xô xát, chém giết xuất phát từ những tranh cãi, bình luận trên mạng xã hội.
Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng đồng thời cũng không thể nhắc đến hậu quả có thực mà nó gây ra. Hiện tượng “anh hùng bàn phím” là sản phẩm của việc lạm dụng mạng xã hội và lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự cho bản thân mình quyền phán xét, đánh giá, xúc phạm người khác.
Để ngăn chặn hiện tượng này, chúng ta cần ý thức rõ tác hại của việc phát ngôn, đánh giá theo cảm tính, bừa bãi. Đồng thời, có những biện pháp quản lý thời gian hiệu quả hơn, biết sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, không nên lạm dụng nó như một công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm cá nhân; không ùa theo, chạy theo “hiệu ứng đám đông” của những bình luận khiếm nhã.
Như vậy, hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội đã trở thành một vấn đề đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người. Là học sinh, chúng ta cần nhận thức rõ về tác hại của hiện tượng này, đồng thời tránh xa và có những biện pháp ngăn chặn.
Nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội – Mẫu 2
Với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, giờ đây mạng xã hội đang dần chiếm lĩnh các kênh thông tin, giải trí, giao lưu. Và có lẽ cụm từ “anh hùng bàn phím” đối với chúng ta đã không còn xa lạ. Vậy anh hùng bàn phím là gì? Đó là một danh xưng để gọi những con người vô danh, chuyên sử dụng mạng xã hội để đi bình phẩm, phán xét người khác và bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình một cách tự do, thoải mái và thậm chí quá đà qua việc ngồi trước màn hình máy vi tính. Bằng cách này, họ sẵn sàng và nhiệt tình bàn luận về bất cứ một vấn đề nào đó với thái độ không cần biết phải – trái, đúng – sai. Dưới bàn phím máy tính, đề tài mà những “anh hùng” này bàn luận là rất phong phú, ví dụ như nhan sắc, tài năng, thậm chí còn là nhân phẩm và đời tư của người khác. Mạng xã hội và những lời bình phẩm của các anh hùng bàn phím là ảo, nhưng lại gây ra nỗi đau thực cho con người, khiến nạn nhân trở nên mặc cảm,tự ti, khủng hoảng. Ta vẫn thường thấy trên mặt báo hàng ngày tin tức về người nổi tiếng vướng phải sự công kích của mạng xã hội mà không dám nhìn mặt ai, hoặc thậm chí còn tự tự. Không chỉ vậy, hiện tượng anh hùng bàn phím còn gây ra thói xấu cho xã hội, đó là bệnh vô cảm, sự a dua, và gây mất trật tự an ninh xã hội. Chính vì vậy, hiện tượng này đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Bản thân là một học sinh, cũng sống trong thời kỳ công nghệ hiện đại phát triển, mỗi bạn nên thấy mình cần nhận ra được tác hại của hiện tượng anh hùng bàn phím để tránh xa và sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý.
Nghị luận về hiện tượng anh hùng bàn phím trên mạng xã hội – Mẫu 3
Nếu truy cập mạng xã hội chỉ dừng lại ở việc giao tiếp, đọc tin tức có lẽ không đáng lo ngại nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều người trẻ đã nghiện các trang mạng này. Không chỉ giới hạn vài giờ, họ dành hầu như cả ngày cho chúng và nỗ lực để trang cá nhân của mình nổi tiếng, thu hút nhiều người theo dõi.
Theo nhiều ý kiến, sự bùng nổ “anh hùng bàn phím” là do thời thế. Lướt mạng xã hội dễ dàng gặp hàng nghìn hội nhóm có mục đích tốt đẹp, thân thiện, nhưng cũng có tương đương số hội nhóm được lập để bôi nhọ, bài xích người khác.
Để cư dân mạng thường xuyên ghé “nhà” mình, không ít người sẵn sàng bỏ thời gian tham gia bất cứ sự kiện nóng nào xảy ra trong xã hội, từ văn hóa giải trí, trật tự xã hội đến chính trị. Dù kiến thức có hạn, thông tin chưa đầy đủ nhưng để “tỏ ra nguy hiểm”, nhiều người bỏ thời gian săn lùng, thậm chí suy diễn để làm sao cập nhật được thông tin mới nhất, độc quyền trên trang của mình.
Họ sẵn sàng “ném đá” thẳng tay mà không cần biết hậu quả; phê phán, bất bình một cách cảm tính dù chưa hiểu rõ nội tình; chuyên soi mói bắt lỗi người khác; chuyên tung ra những bình luận kinh khủng, gây tổn thương cho người khác; vào nhà người khác chửi, “chém” chuyện không liên quan mình; ném đá nhà tài trợ thay vì cảm ơn họ đã mang đến những điều tốt đẹp miễn phí.
Nghiện Facebook cộng với sự tò mò, không ít thanh niên gặp rắc rối ngoài đời thật. Tối ngày 3 tháng 8 vừa rồi, hàng trăm thanh niên đã tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), gây rối loạn trật tự chỉ để chờ xem 2 cô gái thách nhau trên Facebook đến đây giải quyết mâu thuẫn. Công an đã đưa 2 cô gái cùng 14 người khác về đồn và xử phạt mỗi đối tượng 750.000 đồng về hành vi gây mất trật tự công cộng.
Vừa qua, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ hai người để điều tra hành vi lập trang Tránh chốt CSGT Hải Phòng trên Facebook và đăng nhiều bài viết, bình luận xúc phạm, lăng mạ công an. Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) bắt 2 thành viên của “Tập đoàn thánh bóc” trên mạng xã hội. “Tập đoàn” này đã liên tục đăng các bài viết và hình ảnh xuyên tạc, bôi nhọ các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng, dẫn đến việc họ bị xã hội hiểu nhầm, lên án.
Đặc biệt, không chỉ làm hại mình, những “ông tám”, “bà tám” trên Facebook còn tiếp tay làm hại người khác. Vụ nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bạn trai tung clip nhạy cảm lên mạng xảy ra vào tháng 6 năm nay vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Trước khi tự tử, cô gái đã lên Facebook của mình mong mọi người đừng bàn tán về vụ việc. Tuy nhiên, chẳng những không nhận được sự cảm thông, cô bé lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng để cộng đồng mạng chỉ trích, phê phán nặng lời.
Hầu hết chúng ta lang thang trên mạng xã hội không mục đích, thường là khi cảm thấy nhàm chán. Để tránh điều đó, hãy hỏi bản thân: “Mình có lý do nào cụ thể, tích cực để online hay không?”, nếu không tìm được lý do, hãy đóng cửa sổ đăng nhập lại và làm điều gì đó để nâng cao tinh thần: rủ bạn đi chơi, tám chuyện, đọc một cuốn sách hay…
Trước khi đăng tải ảnh hay cập nhật trạng thái, hãy suy nghĩ về mục đích của mình, cố gắng diễn đạt qua câu chữ với bạn bè về cảm xúc của bạn, kể lại câu chuyện đằng sau bức ảnh, bạn có thể tạo cho mình một kỷ niệm lâu bền. Việc chỉ đăng ảnh thôi có mặt trái của nó: Bạn sẽ ngừng suy nghĩ về những trải nghiệm và bắt đầu ngồi chờ phản hồi của mọi người.
Hai ngày cuối tuần không đủ để thay đổi thói quen của bạn. Bạn vẫn sẽ rất háo hức, vui sướng khi trở lại với thế giới ảo. Tuy nhiên, tạm lánh một thời gian ngắn sẽ nhắc bạn rằng cuộc sống thực đẹp như thế nào dù không có những dòng cập nhật trạng thái. Bên cạnh đó, nghỉ ngơi sẽ mang đến cho bạn những nguồn cảm hứng mới: “Khi những điều xao lãng biến mất, ý tưởng sẽ đến”!
Bạn có thấy các trang mạng xã hội hiện nay quá phiền phức vả bản thân có thấy mình là “anh hùng bàn phím không? “