Dàn ý
– Sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại:
+ Sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại (tính phi ngã) là sự cảm thụ và diễn tả hiện thực khách quan không bởi con mắt quan sát của cá nhân người nghệ sĩ và không phải bằng hình ảnh ngôn từ, nhịp điệu, tình tiết do nghệ sĩ đó sáng tạo nên mà bằng một hệ thống ước lệ nghệ thuật có tính chất phi ngã.
+ Nguyên nhân: Thời trung đại, ý thức cá nhân, cá thể chưa có điều kiện phát triển.
+ Biểu hiện của tính phi ngã trong văn học trung đại:
- Tranh vẽ, thơ vịnh cảnh đều có sự quy định sẵn theo công thức.
- Nhân vật, cốt truyện, luật phối thanh bằng trắc của thơ phú cũng có quy định chặt chẽ.
- Hình ảnh, những ngôn từ ước lệ phi ngã.
+ Ý thức chống phi ngã trong văn học trung đại: Nhiều cây bút lớn thời trung đại có ý thức khẳng định tư tưởng, cá tính và tài nghệ độc đáo của mình.
– Cảm tưởng:
+ Sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người là sản phẩm tất yếu của xã hội phong kiến.
+ Hệ quả đáng tiếc: Nhân vật của văn học trung đại chưa được sống như một cá thể sinh động, vậy nên thiếu đi tính hấp dẫn; giá trị nhân bản của các sáng tác văn học trung đại ít nhiều bị hạn chế.
+ Nhưng cũng đáng mừng, đáng trân trọng khi nhiều nhà thơ, nhà văn đã dám phá cách để vượt lên khỏi khuôn khổ chật hẹp mà tính phi ngã đưa đến.
Bài làm
Hàng ngàn năm văn học trung đại đã trôi qua nhưng một trong những dấu ấn đậm nét mà thời kì này để lại chính là sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp. Đây là một trong những đặc điểm nổi, mang tính đặc trưng cho văn học trung đại Việt Nam.
Nói đến sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại (còn gọi là “phi ngã”) là sự cảm thụ và diễn tả hiện thực khách quan không bởi con mắt quan sát của cá nhân người nghệ sĩ và không phải bằng hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu, tình tiết do nghệ sĩ đó sáng tạo nên mà bằng một hệ thống ước lệ nghệ thuật có tính chất phi ngã. Từ cơ sở xã hội phong kiến, chúng ta có thể lý giải rõ hơn về điều này.
Trong xã hội phong kiến, ý thức cá nhân, cá thể chưa có điều kiện phát triển. Giá trị của một cá nhân cũng như cách đánh giá của xã hội đối với cá nhân đó không căn cứ trong phẩm giá của chính cá nhân ấy mà được xác định dựa trên việc cá nhân ấy thuộc dòng họ nào, đẳng cấp nào, có địa vị gì trong bậc thang xã hội. Cũng trong xã hội phong kiến, con người cá nhân không được sống như bản thân mình mong muốn, họ không có tình yêu đích thực, không được tự do lựa chọn người yêu, bạn đời theo tình cảm cá nhân.
Hôn nhân được xây dựng trên tương quan giữa người cùng đẳng cấp, khi được sự nhất trí của cha mẹ. Văn chương ca ngợi luyến ái tự do là vô đạo. Người có văn hóa, có giáo dục phải là người biết thu nhỏ, hạ thấp cái “tôi” cá nhân của mình xuống. Trên cơ sở coi nhẹ sự biểu hiện cá tính con người đó, văn chương nghệ thuật tự hình thành cho mình hệ thống ước lệ nghệ thuật có tính chất phi ngã.
Nghệ thuật nói chung và văn thơ nói riêng đều có những quy định sẵn theo công thức. Trong thi ca vịnh cảnh, nói đến thiên nhiên thì phải là tứ quý, xuân lan, thu cúc.. hoa điểu, tùng hạc, liên á, tiêu tương, sơn thủy. Nói đến người thì phải là ngư, tiều, canh, mục. Nói đến thời gian thì buổi chiều có chim bay về tổ, mục đồng thổi sáo dắt trâu về, người lữ thứ vội bước trên đường, chuông chùa giục giã.. Cảnh tršng khuya thì có thuyền gối bãi, thuyền chở trăng, đêm thì có tiếng dế nỉ non, giọt ba tiêu thánh thót.. Luật phối thanh bằng trắc của thơ phú cũng có quy định chặt chẽ khiến cho người làm thơ phải diễn tả thế giới bằng thính giác “phi ngã” của cộng
đồng tao nhân mặc khách…
Trong truyện, những nhân vật lí tưởng phải là giai nhân tài tử, trai anh hùng, gái thuyền quyên. Thiếu nữ thì phải “mặt hoa da phấn”, làn thu thủy nét xuân sơn, lưng ong, gót sen; anh hùng thì phải râu hùm hàm én; đấng trượng phu, bậc quân tử thì như cây tùng cây bách.. Cốt truyện trong các truyện trung đại thường theo công thức gặp gỡ – ly biệt – đoàn viên…
Để tuân thủ tính phi ngã, người viết văn, làm thơ phải có một kho điển cố, kho thi liệu, văn liệu chung, phải biết vận dụng những hình ảnh, ngôn từ ước lệ phi ngã. Nói chuyện tri âm, tri kỉ thì mốt xanh chẳng để đi vào, nói tình yêu lỡ dở thì có chuyện Thôi — Trương, nói đàn bà tài hoa thì có nàng Ban, ả Tạ, cha mẹ là “huyên đường”, nghĩa vợ chồng là “tao khang”, nhớ quê hương thì trông áng mây Tân…
Hệ thống ước lệ nghệ thuật có tính chất phi ngã đó đã chi phối hầu hết các sáng tác trong văn học trung đại. Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất trong thời kì văn học này như thơ văn Nguyễn Trãi, thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, thơ ca Nguyễn Khuyến, Tú Xương.. cũng đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt tính phi ngã trong thi pháp trung đại. Tuy nhiên, văn học chân chính thời nào cũng có và ở thời nào nó cũng là hoạt động sáng tạo, nghĩa là chống công thức và chống phi ngã. Cũng chính ở các sáng tác ấy, chúng ta lại bắt gặp một sức sáng tạo dồi dào của những người nghệ sĩ không chịu bó mình trong một khuôn khổ chật hẹp nào. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến Tú Xương.. đã không ngại ngần khẳng định tư tưởng, cá tính và tài nghệ độc đáo của mình. Một Thúy Kiều có vẻ đẹp lí tưởng làn thu thủy, nét xuân sơn, cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm cũng chính là nàng Kiều được Nguyễn Du trao cho một đời sống nội tâm phong phú lúc trao duyên, hay khi ở lầu Ngưng Bích hay trong những ngày tủi nhục triển miên ở chốn lầu xanh:
– Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa. ‘
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Hay cũng chính trong Truyện Kiêu, bên cạnh hệ thống những nhân vật lí tưởng, Nguyễn Du cũng xây dựng một tuyến nhân vật đối lập và không ngại ngần bóc trần bản chất xấu xa của chúng bằng những ngôn từ tả thực sinh động:
– Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
(tả Mã Giám Sinh)
– Thoát trông lờn lợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao.
(tả Tú Bà)
– Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng.
(tả Sở Khanh)
Hoặc với Hồ Xuân Hương, khi miêu tả thiên nhiên, nữ sĩ thường ưa thích những khung cảnh đầy sức sống và sử dụng ngôn từ hết sức nôm na:
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen di khéo tạc cảnh cheo leo.
Của con đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
(Đèo Ba Dội)
Rồi cũng có khi nữ sĩ tự xưng tên chính mình — một điều tối kỵ trong văn học trung đại: .
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
(Mời trầu)
Có thể ví những sáng tạo, những sự phá cách trên đây như luồng gió mới, một hơi thở ấm áp thổi vào văn học phong kiến vốn ngàn năm coi nhẹ biểu hiện cá tính con người..Và điều đó thực đáng trân trọng.
Như vậy, có thể thấy sự coi nhẹ biểu hiện cá tính con người là sản phẩm tất yếu của xã hội phong kiến. Đặc trưng thi pháp này đã chi phối suốt mười thế kỉ văn học trung đại. Hiển nhiên, nó đã đưa đến nhiều hệ quả đáng tiếc mà điển hình là nhân vật văn học (đối tượng chủ yếu của văn chương mọi thời đại) thời trung đại chưa được sống như một cá thể sinh động, chưa được quan tâm sâu sắc ở phương diện đời sống tâm lí tình cảm. Bởi vậy nên giá trị nhân bản của các sáng tác văn học trung đại ít nhiều bị hạn chế. Nhưng cũng thật đáng mừng, đáng trân trọng khi nhiều nhà thơ, nhà văn đã dám phá cách để vượt lên khỏi khuôn khổ chật hẹp mà tính phi ngã đưa đến.
Cuối cùng, phải thấy rằng dẫu mang tính ràng buộc, khuôn khổ nhưng sự coi nhẹ cá tính con người trong thi pháp văn học trung đại cũng đã góp phần mang đến một diện mạo đặc trưng cho văn học thời kì này.