Thơ tình Chế Lan Viên - Văn Học Sài Gòn

Giới thiệu nhà thơ Chế Lan Viên

Thơ tình Chế Lan Viên - Văn Học Sài Gòn

Tiểu sử nhà thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Chế Lan Viên, sinh ngày 14.01.1920, mất ngày 24.6.1989 có tên thật là Phan Ngọc Hoan. Bút danh khác: Chàng Văn, Thạch Hãn… Ông sinh tại Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, mất tại TP. Hồ Chí Minh. Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên sống ở Quy Nhơn, Bình Định… Năm 1937, khi còn học ở trung học Quy Nhơn, Chế Lan Viên đã làm thơ. Năm 1939, ông ra học ở Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn làm báo, rồi dạy học ở Thanh Hóa và Huế. Sau khởi nghĩa tháng Tám, Chế Lan Viên tham gia cách mạng ở Quy Nhơn. Sau đó, ra Huế làm báo Quyết thắng của Việt Minh Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, Chế Lan Viên làm công tác báo chí ở Liên khu IV, khi ở Thanh Hóa, khi ở vùng bị chiếm Bình Trị Thiên. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, Chế Lan Viên sống và hoạt động văn học, văn hóa tại Hà Nội, với nhiều trọng trách : Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VỊ và VII, Ủy viên Ban thống nhất của Quốc hội khóa IV, V, Ủy viên Ban văn hóa – giáo dục của Quốc hội khóa VI và VI, Ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Chế Lan Viên vào sống và hoạt động văn học tại TP Hồ Chí Minh.

Tiểu sử nhà thơ Chế Lan Viên

Tác phẩm đã xuất bản :

Thơ : Điêu tàn (1937), Gửi các anh (1955), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Tuyển tập Chế Lan Viên (2 tập – 1985), Di cảo I (1992), Di cảo II (1993), Di Cảo III (1996).

Văn xuôi : Vàng sao (1942), Thăm Trung Quốc (ký – 1963), Những ngày nổi giận (bút ký – 1966), Giờ của số thành (ký – 1977), Bay theo đường dân tộc đang bay (ký – 1977).

Tiểu luận, phê bình : Nói chuyện văn thơ (1960), Phê bình văn học (1962), Vào nghề (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971), Nghĩ cạnh dòng thơ (1981), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981).

Chế Lan Viên được tặng Huân chương Độc lập hạng hai (1988), giải A giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1985 (tập Hoa trên đá), giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1994 (hai tập Di cảo), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I – 1996).

17 tuổi với tập thơ Điêu tàn, Chế Lan Viên đã làm nên “một niềm kinh dị” trên thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ. Bộc lộ bằng một cảm xúc khác thường, quay lưng lại với thực tại hiện hữu: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh, Một vì sao trơ trọi cuối trời xa, Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh – Những ưu phiền đau khổ với buồn lo. Chế-Lan Viên tìm về quá khứ của dân tộc Chăm cũng là một cách diễn tả tâm trạng mình về hiện thực của dân tộc. Phần tích cực lẫn hạn chế trong hồn thơ Chế Lan Viên giao thoa trên những nỗi buồn, giấc mơ, những dằn vặt về sự tồn tại của chính mình. Khi những quan niệm của Điêu tàn đến Vàng sao đã không còn phù hợp, Chế Lan Viên rơi vào thần bí, bế tắc. Chỉ còn một cách lựa chọn là hướng cảm xúc của chủ thể sáng tạo vào yêu cầu mới, Chế Lan Viên đã bắt gặp ngọn nguồn của sáng tạo thơ ca là cuộc sống của dân tộc sau Cách mạng tháng Tám – 1945.

Với Gửi các anh, tập thơ viết trong kháng chiến chống Pháp, Chế Lan Viên đã cố gắng tiếp cận với hiện thực cách mạng. Nhưng ở đây, con người công dân và con người nghệ sĩ vẫn chưa gặp nhau, bản sắc thi sĩ chưa kịp định hình. Chỉ đến Ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên mới thực sự từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, làm nên một gương mặt thi nhân tài hoa và .độc đáo trong nền thơ cách mạng Việt Nam. Từ đây cho đến những bài thơ cuối đời, cái tôi trữ tình trong thơ Chế Lan Viên luôn vận động và phát triển, thống nhất trong đa dạng. Thơ Chế Lan Viên đã tạo được một sức mạnh ám ảnh đối với người đọc trên cả hai phương diện cảm xúc và trí tuệ. Với ý thức phục vụ cách mạng, phục vụ cuộc sống bằng thi ca, thơ Chế Lan Viên đã muốn là tiếng nói thi ca của lịch sử đất nước trong thời đại mới. Trong những cảm hứng từ vĩ mô đến vi mô có cả chim báo bão, có cả hoa ngày thường, có đối thoại mới lẫn độc thoại với chính mình.

Đọc thêm  Giới thiệu tác giả Hồ Quý Ly

Chế Lan Viên là nhà thơ có công đầu trong việc cách tân câu thơ Việt Nam. Ông đã làm một cuộc cách mạng về câu thơ, dòng thơ. Khuôn khổ, phạm vi câu thơ cũ bị phá vỡ. Thay vào đó, là các bài thơ tự do xuất hiện ngày càng nhiều với những câu thơ dài ngắn xen lẫn nhau với các cặp phạm trù đối lập, nhằm biểu đạt ý tưởng lớn của cả bài. Thơ Chế Lan Viên đa diện, đa chiều, nhiều tầng ngữ nghĩa, chủ yếu thể hiện ở chiều sâu, ở tầm triết lý, có sự gặp gỡ của hai nền thơ ca phương Tây và phương Đông. Chế Lan Viên còn là một trong số những nhà thơ hiếm hoi làm thơ tứ tuyệt thành công nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại, kết hợp hài hòa giữa cái đẹp truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, Chế Lan Viên còn viết khá nhiều tùy bút, bút ký đặc sắc. Nếu như trong thơ của ông có tầm dài rộng, có kích thước của văn xuôi, thì trong văn xuôi lại có độ hàm súc, cô đọng và gợi cảm của thơ. Ở địa hạt lý luận, phê bình với sự nhạy cảm của người trong nghề, với cái nhìn bao quát, với tư duy phân tích sắc sảo, Chế Lan Viên cũng tạo ra một phong cách không lẫn với bất cứ ai. Bằng tài năng đa dạng và phong phú của mình, Chế Lan Viên là nhà thơ lãng mạn đi theo cách mạng có thơ hay, thậm chí còn xuất sắc hơn cả giai đoạn thơ trước Cách mạng. Chế Lan Viên đã để lại 3 tập Di cảo thơ I, II, III bộc lộ những chiêm nghiệm, triết lý về con người, về cuộc đời, về cách sống, về thơ, về nghệ thuật. Đó là những bài thơ tổng kết cuộc đời xót đau của chính mình nhưng đầy bản lĩnh, giúp người đọc nhận thức một cách trọn vẹn hơn, đầy đặn hơn về một hồn thơ có phong cách riêng, độc đáo và đầy cá tính, một nỗi niềm ẩn khuất mãi đến những ngày cuối đời mới hé lộ trong thơ.

 

Tư liệu tham khảo: 

  • Đọc Chế Lan Viên, ta thấy cái tôi trong bút ký của anh có giá trị khái quát hóa. Nhà văn cảm xúc, suy nghĩ, với tư cách là một chiến sĩ trong hàng ngũ nhân dân cách mạng. Đồng thời cái tôi ấy cũng có giá trị cá tính hóa, mang bản sắc riêng của nhà văn.

Hoàng Như MaiNhững ngày nổi giận, tập bút ký của Chế Lan Viên. Văn nghệ số 165/1966.

  • Chế Lan Viên đã mạnh dạn thể hiện trạng thái mâu thuẫn của tâm trạng minh, ghi lại những khó khăn về bước chuyển biến, và quá trình trưởng thành của đời sống nội tâm cũng như cuộc sống bên ngoài. Anh đã gắng hòa hợp cái tôi riêng vào cái ta chung của quần chúng, hướng thơ ca vào những chủ đề hiện tại ca ngợi khung cảnh lao động và những đổi thay của đất nước từ sau ngày hòa bình lặp lại.
  • Ngay cái vui trong thơ Chế Lan Viên cũng có những vấn đề đáng suy nghĩ. Qua Ánh sáng và phù sa, nói chung, người đọc bắt gặp niềm lạc quan và lòng tin yêu cuộc sống. Tuy nhiên trong thơ Chế Lan Viên, tình cảm vui có một cái gì bàng hoàng của một người đi xa mới về, có cái ngỡ ngàng của một người mới ốm dậy, thấy cái gì cũng mới lạ, cũng bâng khuâng. Cái vui chưa tự nhiên, thoải mái. Cả những khi tác giả thấy mình nằm trong lòng cuộc sống giữa quần chúng nhân dân, cái vui vẫn thiếu đậm đà, dư vị.

Hà Minh ĐứcĐọc Ánh sáng và phù sa – in trong Nhà văn và tác phẩm, NXB Hà Nội, 1971.

  • Triết lý bằng thơ, Chế Lan Viên còn triết lý về thơ. Đây có lẽ là phần đặc sắc nhất trong thơ triết lý của anh, gồm nhiều bài anh để lại trong Di cảo. Những bài thơ ấy giúp ta hiểu tầm cỡ quan niệm nghệ thuật – thẩm mỹ của anh, những điều không phải anh chỉ triết lý thôi mà chính anh đã sống và sáng tạo theo đó.

Trần Thanh Đạm Những vẫn thơ triết lý của Chế Lan Viên qua những trang “Di cảo”. Văn nghệ, số 36, 1993.

  • Chế Lan Viên !
Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Bằng Việt

Một thi sĩ yêu, tinh, ma, quỷ, một thi sĩ của thần chết, của các kẻ điên rồ, của các vị tiên nữ, của vạn vật chìm đắm trong cảnh điêu tàn, một thi sĩ dám trộn dĩ vãng trùm tương lai, một thi sĩ cách mạng với các thi sĩ mải khóc trăng lờ, hoa héo.

… Để lọ mực trên mảnh lụa trắng, rồi trây, rồi trét, còn chưa hả sức chơi đùa, thi sĩ lại còn căng thẳng mảnh lụa ấy ra, rồi bứt xé ra manh mún để ngả ra cười, cho đến khóc. Cái trò chơi nghịch ngợm phi thường… ấy, người ta sẽ chia tay, bảo : Một thằng nhỏ xấu số mang chứng điên rồ.

Tôi bảo :

– Một thần đồng đã làm cho thiên hạ ganh tỵ !

Chế Lan Viên ! Anh hãy cười đi ! Say sưa đi ! Điên tiết lên đi vì sau khi đọc xong quyển Điêu tàn của anh thì bao nhiêu cái buồn, cái chán, cái rùng rợn, cái hãi hùng đã làm cho tôi khóc, tôi cười, tôi vui, tôi khổ !

Phong Trần (Hàn Mặc Tử) – báo Tiến bộ, số ra ngày 30.3.1938.

  • Cách mạng đã giúp Chế Lan Viên lao mình vào cuộc sống chung của dân tộc, tìm đến những chân trời bao la được mở ra cho thơ. Và thơ anh đã được hồi sinh. Anh đã có những bài thơ rung cảm về cuộc sống, về con người hiện nay qua kháng chiến cũng như trong đấu tranh thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thơ Chế Lan Viên mang khá nhiều tâm sự riêng của hoàn cảnh riêng của mình, hoàn cảnh của một người phải khắc phục nhiều khó khăn mắc míu đau khổ riêng để lao mình vào cuộc sống chung. Ánh sáng và phù sa đặc biệt gần gũi với người đọc tiểu tư sản trí thức là do thế. Đôi khi tác giả cố vui mà vẫn như lại cuốn theo một nỗi đau khổ mạnh hơn sức người, nó như vậy lên tự tiềm thức của thịt da và của tâm hồn, khiến bài thơ tuy cố gắng chan hoà với con người, với cuộc sống chung quanh mà vẫn chưa thực chan hoà.

Lê Đình Kỵ – Tạp chí Văn nghệ, số 7 – 1961.

  • Về nghệ thuật, Chế Lan Viên không lộ rõ chút non nớt vụng về nào của những trang thơ đầu. Giàu chất triết lý, suy tư, nghệ thuật tạo hình ảnh mới mẻ, kết hợp được giữa tự biểu hiện và miêu tả, thơ Chế Lan Viên có vẻ đẹp riêng. Một số bài thơ được viết với nghệ thuật độc đáo. Một buổi trưa hè và cách quan sát tinh tế của tác giả, nhịp điệu của không gian và thời gian, sự hoà nhập giữa con người và cảnh vật… :

Chế Lan Viên đã đóng góp cho phong trào Thơ mới những màu sắc lạ của một tài năng thi ca mà ở điểm xuất phát đã toả sáng và nhiều vần thơ đã làm cho mê đắm lòng người.

Hà Minh ĐứcĐiêu tàn và tâm hôn thơ, Tạp chí Văn học số 10, 1996.

  • Chế Lan Viên là như thế. Anh không chịu được những sai trái, càng không chịu nổi sự

phản bội. Anh đấu tranh đến cùng, và tìm mọi cách để đấu tranh cho sự thắng lợi của đường lối

văn học, nghệ thuật của Đảng.

Hà Xuân TrườngChế Lan ViênMột tâm hồn sâu thẳm và kiên nghị. Văn nghệ số 26, 6-1999.

 

  • Chế Lan Viên thu hút tinh hoa của nhiều nền thơ vào thơ mình mà không làm mất bản sắc riêng, bản sắc dân tộc. Nhưng nổi bật nhất, theo tôi, vẫn là việc anh tiếp thu được một bí quyết lớn của thơ Đường, đó là nghệ thuật sử dụng cái đối nghịch, cái đối nghịch là một quy luật, một phạm trù bản thể luận của nghệ thuật. Thơ Đường rất sành đối nghịch. Điều này có nguồn gốc từ tư duy triết học đương thời, xuất phát từ phép biện chứng hồn nhiên của Lão Trang, Huyền học và Thiền tông.

Mai Quốc Liên – Thương tiếc anh Chế Lan Viên. Tạp chí Văn TP. Hồ Chí Minh, số 5, tháng 6-1989.

  • Quyển Điệu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị.

Nó dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma… –

Có phải một cái chán nản mạnh mẽ và to lớn dị thường ? Người ta chán đời, người ta cầu một mảnh vườn hay hơn chút nữa, một khoảnh núi để sống riêng. Chế Lan Viên trốn đời lại nghĩ đến một vì sao !

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa !

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.

Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mới mười lăm, mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chăm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật. Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên – có người trèo đuối sức – mà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay, nhưng triền miên trong đó không nên. Riêng tôi, mỗi lần nấn ná trên ấy quá lâu, đầu tôi choáng váng : không còn biết mình là người hay là ma. Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát giấc mơ dữ dội. Tôi trở xuống, thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn trong xanh.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Hoàng Đạo

Hoài ThanhThi nhân Việt Nam, 1942.

  • Chế Lan Viên là nhà thơ đã huy động hầu hết những thủ pháp nghệ thuật để tạo dựng hình ảnh. Ông thường có thói quen “thiết kế” những hình ảnh kỳ thú, mới lạ, độc đáo, hoặc là xâu chuỗi, hoặc là tầng tầng lớp lớp, liên kết với nhau bằng những liên tưởng bất ngờ, có chiều sâu trí tuệ. Cùng với những hình ảnh là những ẩn dụ, so sánh được sử dụng rộng rãi, đa dạng và linh hoạt. Thơ Chế Lan Viên không thể nào trần trụi, mộc mạc được. Ông là nhà thơ dùng “văn chương’ tới mức tối đa.

Trần Đăng XuyềnTiếng hát con tàu, Chế Lan Viên – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H., 2000, tr. 554 (Từ đây viết tắt là CLV.TGTP).

  • So sánh những tác phẩm công bố sau khi Chế Lan Viên mất và những gì được in khi . nhà thơ còn sống, tôi chợt nhận ra : Diện mạo thơ, chân dung thơ của Chế Lan Viên trước đây, sắc sảo biết mấy, thần sắc đến mấy cũng chỉ mới ở trên một mặt phẳng, còn thơ chưa in và thơ sau khi nhà thơ từ trần, đã tạo nên một diện mạo có chiều kích khác. Đó là phù điêu. Đó là tượng tròn. Đó là tượng đài.

Nguyễn Thái SơnChế Lan Viên và “Di cảo” thơ, báo Văn nghệ số ra ngày 4.3.1995

  • Con đường thơ của ông đi từ tháp Chàm đến tháp Bay-on, mười sáu tuổi, ông hoà mình khóc cho một vương quốc đã tuyệt diệt. Bảy mươi tuổi, ông hoà tháp Angkor khóc mình lúc sắp vào “Xứ không màu”. Chế Lan Viên – ông là ai ? Cho đến bây giờ, và chắc lâu sau nữa, ông vẫn là niềm “kinh dị” đối với những người làm văn học và yêu văn học Việt Nam.

Phạm Xuân Nguyên – báo Văn hoá tháng 8 – 1994.

  •  Chế Lan Viên là một thiên tài. Mà tất cả các thiên tài đều tự mâu thuẫn, nhiều giằng xé không sao giải quyết. Trong ông, con sư tử và con nai ở chung với nhau, mèo phải hội họp với chuột, cái ác và cái thiện là một cặp bài trùng chuyên môn cái lộn nhau, sự thuỷ chung và sự phản bội phải làm phép hôn phối trước vị linh mục có tên là nhân tính.
  • Càng gần cái chết, thơ ông viết càng hay, càng bớt chất luận đề, chính luận, càng thêm

cảm xúc và sâu đọng. Hầu hết các nhà thơ mới, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, cái phần thơ hay nhất đóng góp lớn nhất cho thi đàn lại là những thi phẩm ra đời trước năm          1945. Chỉ có Chế Lan Viên và phần nào Tế Hanh, những trước tác sau này thậm chí còn đồ sộ, còn hay hơn nhiều thời tiền chiến. Sau Thơ mới, ông đã làm cho Thơ mới được mới thêm một lần nữa. Đấy chính là sự đông góp có tính tiên phong, tính mở đường của thơ Chế Lan Viên cho thời đại thi ca mới. Chính ông mới là nhà thơ hiện đại đúng nghĩa nhất của nó. –

Trần Mạnh Hảo – Người làm vườn vĩnh cửu (1994), in trong CLV.TGTP   Nguyễn Như Ý tuyển trích

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top