Tiểu sử nhà thơ Lý Nhân Tông
(1066 – 1128)
Nhà thơ Lý Nhân Tông, có tên thật là Lý Càn Đức, con trưởng vua Lý Thánh Tông và phu nhân – nhà Phật học, nhà thơ Lê Thị Ý Lan. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (23 – 2 – 1066), mất tháng 12 năm Đinh Mùi (tháng I – 1128), là vua thứ tư triều Lý, ở ngôi 56 năm (1072 – 1128), đổi niên hiệu 8 lần. Quê gốc : châu Cổ Pháp, nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đương thời, ông từng chỉ đạo phá âm mưu xâm lược của nhà Tống ở phía Bắc (“Quân châu Ung muôn ức tan tành như mây mù gió cuốn, Quân Như Nguyệt trăm vạn đổ vỡ như gặp nắng băng tan”) đánh dẹp và thu phục lòng người vùng phía Nam “Hoàn Vương Xạ Chế lìa cung thất đến cửa khuyết xưng thần, Quốc chủ La Vu bỏ đất nước tới đan đình quy phụ” (Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh). Về đối nội, ông có nhiều chính sách tiến bộ, lần đầu tiên mở khoa thi tam trường(1075), tiếp năm sau cho mở Quốc tử giám – trường đại học đầu tiên ở Việt Nam (1076). Ngoài ra, ông còn cho mở nhiều khoa thi tam giáo, thí môn toán và hình luật, quan tâm đến nhà nông, đắp đê, xuống chiếu hạn chế giết trâu bò, thực hiện đoàn kết dân tộc, chủ trương phát triển Phật giáo, xây dựng chùa chiền… Sau khi mất, được đặt thụy hiệu Nhân Tông.
Tác phẩm hiện còn 3 bài tán chữ Hán, đều làm theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt : Truy tán Vạn Hạnh thiền sư, Truy tán Sùng Phạm thiền sư, Tán Giác Hải thiền sư, Thông Huyền đạo nhân và 4 bài hịch, di chiếu và thư ngoại giao khác. Bài Truy tán Vạn Hạnh thiền sư là lời ngợi ca công tích, tài năng Nguyễn Vạn Hạnh – người góp công khai sáng vương triều Lý và mất trước khí Nhân Tông sinh ra tới cả 48 năm (1018 – 1066). Bài Truy tán Sùng Phạm thiền sư là sự cảm nhận được cái nhìn của sư Sùng Phạm về lẽ vạn vật vạn sự trong thế gian đều chỉ là hiện tượng huyền ảo (“Pháp pháp – tận ly vi”). Bài Tán Giác Hải thiển xu, Thông Huyền đạo nhân biểu thị mối quan tâm trọng thị của nhà vua với cả Phật giáo và Đạo giáo. Còn lại các bài Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật Ác nhị động biểu (Biểu đòi hai động Vật Dương, Vật Ác) là một văn kiện ngoại giao ngắn gọn, sắc bén, đòi nhà Tống trả lại hai vùng đất ở biên giới ; Thảo Ma Sa động hịch (Hịch đánh động Ma Sa) là lời hiệu triệu đánh dẹp một đạo quân phản nghịch vùng cao, còn Lâm chung di chiếu (Chiếu để lại lúc sắp mất) là tiếng nói ân tình nhằm tong kết lại ý nghĩa cuộc đời mình và cũng là lời nhắc nhủ đầy tinh thần trách nhiệm gửi lại hậu thế.
Ngoài những cống hiến xây nền độc lập dân tộc, Lý Cần Đức (Nhân Tông) còn có những đóng góp lớn lao đối với văn hóa, văn học nước nhà, không chỉ với số lượng thơ văn còn lại, ‘mà còn qua cả bộ phận văn bia đời Lý đã đánh giá: Sau này Lê Quý Đôn cũng ngợi ca ông “Xứng đáng là vị anh quân đời Lý”.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác