Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Bảo (1452 – 1501).
Nhà thơ Nguyễn Bảo, hiệu Châu Khê. Quê gốc : làng Phúc Lạc, xã Phương Lai (còn gọi Cổ Lai, Tri Lai hoặc Đại Lai), huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam, nay là thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm -20 tuổi, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Thìn (1472) niên hiệu Hồng Đức thứ 3, đời Lê Thánh Tông. Trong kỳ thi đình, Nguyễn Bảo đã làm 5 bài thơ Vịnh nguyệt (vịnh trăng) và bài phú Nguyệt trung quế (Cây quế trong cung trăng). Bài ức chế của Nguyễn Bảo hợp ý Lê Thánh Tông. Nhà vua đặc cách cử Nguyễn Bảo vào làm ở tòa Đông các. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), Nguyễn Bảo được thăng chức Tả tư giảng ở Tả xuân phường, một chức quan ở Đông cung, giữ việc phò tá thái tử. Năm Hồng Đức thứ 26 (1495), được thăng chức Hữu thuyết thư ở Tả xuân phường. Khi thái tử nối ngôi, tức Lê Hiến Tông (1497 – 1504), Nguyễn Bảo được nhận chức Tả thị lang bộ Lễ, kiêm thị độc Viện hàn lâm. Năm 1501, thăng Thượng thư bộ Lễ. Trong những năm Hiến Tông trị vì, Nguyễn Bảo còn giữ chức Đô ngự sử đài, hàm Triều liệt đại phu. Ông về trí sĩ ở quê nhà vào khoảng những năm từ 1502 đến 1503. Thời gian trí sĩ ở quê nhà, ông có mở trường dạy học. Ngày còn cư quan nhiệm chức, Nguyễn Bảo cũng đã dạy học. Học trò của ông nhiều người đỗ đại khoa cuối TK XV như Trần Củng Uyên, Lê Trù… Khi Nguyễn Bảo mất được truy phong hàm Thái bảo..
Sinh thời Nguyễn Bảo “nổi tiếng là người rộng rãi, giản dị, thận trọng, là danh thần thời bấy giờ” (Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí. Ngoài sự nghiệp giáo dục (dạy thái tử suốt mấy chục năm và dạy nhiều học trò khác thành danh), Nguyễn Bảo còn đảm đương nhiều công việc chính trị triều đình giao phó. Giống như phong khí chung của kẻ sĩ thời Hồng Đức, Nguyễn Bảo mang tính thần ưu thời mẫn thế. Không phải ngẫu nhiên mà Phan Huy Chú xếp ông vào số không nhiều những người phò tá có công lao tài đức trong Nhân vật chí – Lịch triều hiến chương loại chí. Còn Lê Quý Đôn thì nhận xét về ông : Những lời bàn luận, những điều suy nghĩ, những chính kiến hiến dâng đều có điều bổ ích (Toàn Việt thi lục). Lê Hiến Tông trong một bài thơ ban cho Nguyễn Bảo khi phong ông chức Thượng thư có viết : “Mưu quốc mỗi như Đường Lý Bật, Chấp kinh hoàn tự Hán Hoàn Vinh” (Mưu tính công việc nước không khác gì Lý Bật đời nhà Đường, Bàn luận nghĩa kinh sách lại giống như Hoàn Vinh triều Hán). Những nhận xét như vậy về chính tích của Nguyễn Bảo cũng có chút khoa trương, nhưng nó cũng nói rõ một điều, Nguyễn Bảo đã từng là một nhân vật quan trọng trên chính trường giai đoạn cuối TK XV.
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bảo
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Bảo được người đời biết đến, ngoài bài văn bia chùa Phật Tích ra, là tập thơ Châu Khê thi tập. Đây là tập thơ chữ Hán, gồm 8 quyền, do người học trò của ông, Tiến sĩ Trần Củng Uyên tập hợp, biên tập và viết lời tựa. Nguyên cảo Châu Khê thi tập hiện đã thất truyền. Cuối TK XVIII, khi làm Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn đã tuyển 160 bài thơ của Nguyễn Bảo trong Châu Khê thi tập để đưa vào bộ tổng tập văn học đồ sộ này. Sau đó, Bùi Huy Bích lại chọn một số bài đưa vào Hoàng Việt thi tuyển. Sau đó Phan Huy Chú lại duyệt bình Châu Khê thi tập trong Văn tịch chí. Như vậy Châu Khê thì tập đến giữa TK XIX vẫn được lưu truyền.
Thông qua phần thơ được trích tuyển trong Toàn Việt thi lục, chúng ta cũng đoán nhận được phần nào diện mạo của cả tập thơ. Phần quan trọng của tập thơ là những bài phụng họa, tặng tiễn, mừng thọ, cảm tạ… Đó cũng là không khí thù tạc, xướng họa phổ biến thường gặp của các nho sĩ thời Hồng Đức nói riêng và văn chương nhà nho nói chung. Nguyễn Bảo cũng ca ngợi một cách chân thành cảnh thái bình cực trị của đất nước thời Hồng Đức, chẳng hạn như những tứ thơ : “Biết rằng gốc nước yên bàn Thái, Vững mạnh cơ đồ ức vạn năm” (Mừng sinh hoàng tử), hay “Bốn phía quan hà hùng thế nước, Muôn năm bàn thạch vững lòng dân” (Phụng họa thơ vua để núi Dục Thúy) cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên Nguyễn Bảo có phần nào đó vượt ra ngoài khuôn khổ của văn học cung đình với thơ thù tạc khuôn sáo hình thức gò bó, hướng đến cái khoáng đạt sinh sắc, chẳng hạn như các bài : Đại An hải khẩu (Cửa bể Đại An), Hổ Cứ sơn (núi Hồ Cứ), Lục Vân động (Động Lục Vân), Long Đội sơn (Núi Long Đội)…
Trong Châu Khê thi tập, đặc biệt đáng lưu ý là mảng thơ đề vịnh, tức sự. Ở mảng thơ này, Nguyễn Bảo không bị cái công thức, ước lệ khô khan, thuyết giảng đạo đức sáo rỗng, dễ gặp trong văn chương nhà nho chi phối nhiều. Thơ đề vịnh của ông bày tỏ những xúc cảm chân thực về cảnh vật thiên nhiên, đất nước, con người. Đời sống thôn quê đặc biệt gợi hứng nơi ông. Thiên nhiên, cảnh vật ở quê hương, làng xóm hiện lên trong thơ ông vừa đầm ấm thân quen, vừa thơ mộng quyến rũ. Rất có lý khi ai đó đã nhận định rằng : Nguyễn Bảo là nhà thơ nông thôn sớm nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông say mê mô tả một làng quê vào một buổi sớm mùa xuân có những người nông phu mặc áo ngắn, xách cày, dắt trâu ra đồng, những cô thôn nữ và trẻ em trồng dưa trong nắng sớm, những cụ già đi cuốc đậu trở vẻ… Ông có cái mừng vui, lo lắng đối với thời tiết, đồng ruộng, mùa màng như một người nông phu thực sự. Ông cũng Vọng vữ (Mong mưa), cũng Hỷ vũ (Mừng mưa)… Những bài Trừng Mại thôn xuân vấn, Xuân vũ, Xuân nhật, Tức sự, Khổ hàn, Tỉnh canh, Thu lâm… đều là những bức . tranh quê, những tấm tình quê chân thực, giản dị và độc đáo. Nó không chỉ là thú điền viên mà nhà nho thường tìm đến như một sự giải thoát, đó là tình thực, là máu thịt của ông..
Châu Khê thì tập cũng có nhiều bài lấy đề tài ở đời sống tình cảm con người. Nhà thơ khá nhạy cảm với mối sầu ly biệt, với cảnh lứa đôi xa nhau, những phút bâng khuâng khắc khoải nhớ thương của khách cô tình. Những tình cảm ấy góp phần làm tăng thêm chất nhân văn trong thơ Nguyễn Bảo.
Trong lúc văn học cung đình đang phát triển, nhà văn đua nhau ca ngợi chế độ, ca ngợi triều đình, văn chương cung đình đang như diều gặp gios, khuynh hướng phô trương tán tụng rất thịnh đạt trên tao đàn thì thơ Nguyễn Bảo vẫn có sức hấp dẫn riêng từ cái thực, cái mộc mạc, cái bình đị. Tuy nhiên, đó vẫn là cái mộc mạc của ông quan đỗ đại khoa và kinh học, từ chương thì đủ để dạy thái tử và đào tạo nên nhiều ông tiến sĩ thi phú. Lê Quý Đôn nhận xét : “Nguyễn Bảo học vấn uyên bác, thơ từ thanh tao, uyển chuyển, được một thời suy phục” (Toàn Việt thi lục). Còn Trần Củng Uyên, học trò của ông trong bài tựa Châu Khê thi tập của thầy đã nhận xét: “Học thấu tam tài, hùng mạnh về văn, sở trường về thơ, thần sinh cảnh đủ, càng tuôn ra, càng mới mẻ”. Những nhận xét đó quả là không quá đối với văn chương của Châu Khê Nguyễn Bảo.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác