Tiểu sử nhà thơ Phạm Quý Thích
(1760 – 1825)
Nhà thơ Phạm Quý Thích, tự Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ. Quê gốc : làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Sau gia đình dời ra phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Ông học giỏi nổi tiếng và sớm thành đạt. Năm 1779, lúc chưa đầy 20 tuổi, dự thi Hội, thi Đình, và đậu Tiến sĩ dưới triều Lê Cảnh Hưng. Sau đó, ông được bổ nhậm chức: Đông các kiệu thư. Khi Tây Sơn ba lần ra Bắc, ông không chịu cộng tác, về ở ẩn tại Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Năm 1802, Gia Long năm đầu, vua Nguyễn ra Bắc thành, xuống chiếu lục dụng các cựu thần nhà Lê, ông cũng như bạn thân của ông là Nguyễn Du và nhiều quan lại khác được chỉ triệu đến yết kiến. Ông được phong chức Thị trung học sĩ. Ông từ chối mà không được đành xin nhận chức Đốc học ở Bắc thành (nay là Hà Nội). Ít lâu sau ông xin từ chức. Năm 1811, Gia Long cho triệu ông vào kinh
giữ việc chép sử. Được một thời gian, ông cáo bệnh về Bắc, nhưng ông vẫn chưa được tha. Năm 1921, Minh Mệnh lại có chỉ triệu ông. Vì ông đang lâm bệnh nên không đi nhậm chức. Từ đó, ông mới được yên thân. Trước sau, ông làm nghề dạy học và được tôn vinh là danh sư Thăng Long. Học trò của ông rất đông, trong số đó có người tiếp tục được sự nghiệp của thầy như phó bảng, danh sư, nhà văn, nhà sử học, địa lý học… Nguyễn Văn Siêu. Nhà ông là nơi lui tới của các nhà khoa bảng, các danh sĩ cùng chí hướng, trong số đó có đại thi hào Nguyễn Du. Chính Phạm Quý Thích là tri âm, tri kỷ của Nguyễn Du khi thưởng thức áng văn kiệt tác Đoạn trường tân thanh (tức Truyện Kiều).
Tương truyền, thầy trò thường coi bình phẩm Đoạn trường tân thanh như các buổi bình văn. Rất tâm đắc với bạn, ông đã viết bài thơ đặc sắc Đoạn trường tân thanh đề từ, được người đời sau gọi là bài Tổng vịnh Kiều.
Tác phẩm nhà thơ Phạm Quý Thích
Về sáng tác văn chương, ông để lại : Thảo Đường thi nguyên tập, Lập Trai văn tập, Thiên Nam long thủ lực truyện, Tân truyền kỳ lục. Cuốn Chu Dịch vấn đáp toát yếu có lẽ được soạn thảo để hướng dẫn học trò tìm hiểu Kinh Dịch ?
Phạm Quý Thích sống trong giai đoạn lịch sử đầy dâu bể. Rất nhiều sĩ phu đất Bắc vốn chịu ơn vua lộc nước của triều Lê đều cùng có một tâm trạng như ông. Sau khi nhà Lê sụp đổ, họ không ra cộng tác hay chỉ miễn cưỡng cộng tác với triều Tây Sơn, triều Nguyễn Gia Long. Có thể coi Phạm Quý Thích là người tiêu biểu.. Ông luôn luôn ôm mối cô trung để bày tỏ lòng tri ân với tiền triều “Hài: hoàn nhất phiến tâm do tạc” (Chút ơn ngậm vành lòng ghi tạc). Tâm trạng buồn, hoài cổ, day dứt về sự bất lực của mình chi phối cảm hứng của phần lớn thơ văn ông. Như ta đã biết, chẳng phải riêng ông, một Nguyễn Du, một Trần Danh Án, rồi cả Bà huyện Thanh Quan nữa, đều có những chùm thơ hoài cổ đượm buồn.
Tuy vậy, nhà “đại ẩn” (ẩn tại Thăng Long) Thảo Đường cư sĩ vẫn không xa rời cuộc sống và dân chúng. Khi có dịp Đi về trấn Kinh Bắc (Phó Kinh Bắc), nhà thơ đau lòng trước thảm cảnh những người dân trên quê hương mình Giặc dã đã trải qua mấy năm, canh cửi không còn sót lại cái gì. Kẻ giàu nay đã nghèo, kẻ nghèo nay còn lại không mấy ! Nhiều nhà bỏ hoang, phải đem bán làm củi. Ăn tấm ăn cám mà thấy ngọt như đường”. Cảnh đói nghèo, loạn lạc cùng với cảnh dân chúng bị bọn cường hào sách nhiễu như lúc nào cũng hiện ra trước mắt nhà thơ.
Vốn giàu lòng ưu ái, lại sống gần gũi với dân thôn nên nhà thơ họ Phạm cũng vui lây trước cảnh nhà nông được mùa. Lúa nhiều, khoai sắn, sản vật tăng, không chỉ người mà đàn lục súc cũng “sởn sơ”, “thoát khỏi đói”. Trong niềm vui chung đó, bài Hạ nhật điền xã (Nhà nông trong mùa hè) đã hồ hởi nêu lên một triết lý thuyết phục “nhân định thắng thiên” : “Ngô mệnh thực chế thiên, Đế lực hà hữu ngã, Quân vị nông gia khổ, Bất trí kỳ lạc dã” (Mệnh của ta thực tế chế ngự được trời, sức vua nào có làm gì cho ta ? Ai bảo nhà nông cực khổ, là không biết thú vui của họ).
Tấm lòng này lại bày tỏ đầy xúc động và sâu sắc khi ông viết bài Đề từ cho giai tác của Tố Như. Hai câu kết đọng lại sự thông cảm đến kỳ diệu thân phận nàng Kiều đa tài, đa tình, mà thành đa nạn! “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy, Tân thanh đáo để vị thùy thương ?” (Từ ngàn xưa khách tài tình đều mang lấy lụy, Truyện Tân thanh này rút cục đã vì ai mà cảm thương. Cũng như Tự của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân và Phong Tuyết chủ nhân Thập thanh nhị, Để từ của Phạm Quý Thích là tiếng nói đồng cảm, là tâm hồn đồng điệu, mang ý nghĩa nhân văn rất đáng trân trọng.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác