Notebook vs Mechanical Pencil by PROFESSIONALmotion | VideoHive

Giới thiệu nhà thơ Phan Văn Trị

Notebook vs Mechanical Pencil by PROFESSIONALmotion | VideoHive

Tiểu sử nhà thơ Phan Văn Trị

(1830 – 1910)

Nhà thơ Phan Văn Trị, thường gọi là Cử Trị. Quê gốc : làng Hanh Thông, huyện Bảo An, tỉnh Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh). Ông nổi tiếng học giỏi, hay thơ, đậu Cử nhân khoa Kỷ Dậu (1849). Chán ghét triều đình nhà Nguyễn thối nát, khinh miệt cuộc đời vào luồn ra cúi nên ông không ra làm quan, về ẩn thân dạy học tại làng Bình Cách (Tân An), sau dời đến Phong Điền (Cần Thơ) mở trường dạy học và ở đấy cho đến cuối đời. Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông đứng về phía các sĩ phu yêu nước, lên án gay gắt thái độ hèn nhát, đầu hàng, cắt đất dâng cho giặc của triều đình nhà Nguyễn, khẳng. định lập trường kháng chiến của nhân dân. Ông cùng những bạn bè tâm huyết như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa… khởi xướng phong trào ty địa để biểu thị thái độ không đội trời chung với quân giặc, dùng văn thơ làm vũ khí chiến đấu và thường cùng các lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… bàn bạc việc cứu nước. Ông hay đi đó đi đây, gặp gỡ bạn bè và vận động nhân dân chiến đấu vì nghĩa lớn.

Tác phẩm nhà thơ Phan Văn Trị

Phan Văn Trị sáng tác khá nhiều  nhưng cho đến nay mới sưu tầm được khoảng 100 bài thơ Nôm. Có nhiều bài thơ ngụ ý bao biếm, mượn cảnh, mượn vật để bộc lộ thái độ khinh bỉ, phê phán kịch liệt đối với những kẻ tham lam vô sỉ, hút máu dân lành để vinh thân phì  gia (Con muỗi, Con rận), những kẻ hèn nhát chỉ giỏi nghề sách nhiễu nhân dân  (Đồn lính trong làng), những kẻ lợi dụng thời cơ bám gót giày quân giặc để tàn hại đồng bào (Con cào cào, Đá cá thia la, Kiến hôi cắn kiến vàng)… Ông cũng làm thơ khẩu khí để nói chí, bộc lộ hoài bão muốn giúp đời, cứu dân, ca ngợi những người yêu nước (Hột lúa, Cái cối xay, Con cóc). Thơ cảm khái  thời thế của Phan Văn Trị phần lớn làm sau khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, nói lên nỗi uất hận của những người yêu nước trước thái độ hèn nhát, đầu hàng của triều đình (Mất Vĩnh Long): nỗi đau xót trước tình thế đất nước tang thương, khẳng định lập  trường chiến đấu và lòng tin vào sự nghiệp cứu nước của nhân dân (Cảm hoài, Bến An Giang, Chìa hư).

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Vũ Cán (1475 - ?) 

Phan Văn Trị nối tiếng nhất là ở những bài thơ xướng họa với Tôn Thọ Tường, ở cuộc bút chiến sôi nổi một thời trong lịch sử văn chương nước nhà. Tôn Thọ Tường.(1825-1877) là người bạn thơ của Phan Văn Trị trong nhóm Bạch Mai thi xã, người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, vốn nổi tiếng hay chữ, hay thơ, nhưng tư cách không mấy đứng đắn, lại quen thói ăn chơi hoang toàng. Khi thực dân  Pháp lấy ba tỉnh miền Đông, Tôn Thọ Tường là một trong những kẻ đầu tiên đã ra hàng và làm tay sai cho chúng, bị toàn thể sĩ phu Nam Kỳ khinh bỉ và lên án gay gắt. Không biết phận mình, Tôn Thọ Tường còn mượn tài thi phú, làm bài thơ Từ Thứ quy Tào, lấy tích trong Tam quốc để biện bạch cho hành động đầu hàng của mình. Phan Văn Trị đập lại bằng bài Hát bội, vạch trần bộ mặt thật đằng sau những lớp phấn son, xiêm áo của hắn “Đứa ghẻ ruồi, đứa lác voi, Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mời”. Tôn Thọ Tường lại cho ra tiếp mười bài Tự thuật liên hoàn, đề cao sức mạnh bất khả kháng của giặc, lại còn lên mặt dạy  đời, khuyên nhủ những người kháng chiến đừng liều mạng vô ích. Hắn tự cho mình là người thức thời, biết toan tính trước, lại còn dám huênh hoang tự phụ về dòng dõi trâm anh thế phiệt của mình. Phan Văn Trị họa lại nguyên văn mười bài thơ, bẻ gãy từng luận điểm của Tôn Thọ Tường, lột trần bộ mặt thật của kẻ giả nhân giả nghĩa, mắng thẳng vào mặt hắn là “đứa ngu”, là “thằng hoang”, là “đứa dại”. Ông khẳng định lập trường của người kháng chiến “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ, Lòng ta sắt đá há lung lay” và cảnh cáo kẻ bán nước cầu vinh. Tôn Thọ Tường lại làm tiếp bài Tôn phu nhân quy Thục, núp dưới chữ “tòng” của Tôn phu nhân khi bỏ Ngô theo Lưu Bị về Hán để trâng tráo nhắn lời với các sĩ phu đang chỉ trích hắn. Phan Văn Trị cũng lấy tích đó họa lại, lôi hắn ra khỏi chỗ núp mà đánh một đòn chí tử “Trai ngay thờ chúa, gái ngoan thờ chồng”. Trận đòn bút này không phải chỉ có một mình Phan Văn Trị, mà còn có lực lượng sĩ phu trong cả nước, đặc biệt là sĩ phu Nam Kỳ làm hậu thuẫn. Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu… đều có thơ họa, nhưng ông vẫn là người đi đầu và xông xáo nhất. Bằng sức mạnh chính nghĩa, và bằng cả tài năng văn chương để có thể đối phó với những vần thơ hóc hiểm (thường gọi là tử vận) mà Tôn Thọ Tường đã dùng để đánh đố mọi người, Phan Văn Trị đã sử dụng ngòi bút như một thứ vũ khí sắc bén để chiến đấu chống lại những kẻ dầu hàng bán nước mà nhân dân đương thời hết sức khinh bỉ, căm ghét. Cuộc bút chiến do Phan Văn Trị khởi xướng còn kéo dài cả mấy chục năm sau, ngay cả khi Tôn Thọ Tường đã chết, bởi trong xã hội lúc đó càng nhiều hơn những kẻ như hắn. Có thể xem cuộc xướng họa thơ này như một cuộc bút chiến đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại, xoay quanh một đề tài có ý nghĩa chính trị nóng hổi đang thu hút tâm trí của sĩ phu và nhân dân đương thời. Đáng chú ý là nó được viết toàn bằng chữ Nôm, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bàn đến những vấn đề quốc gia đại sự với tư cách của một người dân yêu nước, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc mình. Khí thế những vần thơ họa của Phan Văn Trị đã phản ánh khí thế phong trào kháng chiến của. nhân dân ta lúc đó.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Nguyễn Thị Như Trang

Thơ Cử Trị không chứa chan cảm xúc trữ tình như thơ Đồ Chiểu, nhưng ông cũng là một cây bút sắc sảo trong thơ văn yêu nước Nam Kỳ những ngày đầu chống Pháp.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác

Scroll to Top