Giới thiệu nhà thơ Trần Danh Án (1754 – 1794) :
Nhà thơ Trần Danh Án, hiệu Liễu Am, Tản Ông. Quê gốc : làng Bảo Triện, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Thân sinh ông, Trần Danh Lâm đậu Tiến sĩ dưới triều Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh (1731), làm quan đến Binh bộ Thị lang, đã về trí sĩ, sau lại được Lê Hiển Tông có niên hiệu Cảnh Hưng khôi phục, thăng đến Lại bộ Thượng thư, lúc mất được truy tặng Thiếu bảo. Nối nghiệp cha, năm 1787 khoa Đinh Mùi, Trần Danh Án dự thi Hội và thi Đình, ông đậu Hoàng giáp. Làm quan dưới triều Lê, ông đã được phong tước Định Nhạc hầu. Như vậy, cha con ông đều là đại thần đã chịu ơn sâu của triều Lê. Ba lần Tây Sơn ra Bắc đẹp Trịnh, hạ bệ Nguyễn Hữu Chỉnh và đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống bỏ chạy lên Kinh Bắc, hoàng thân Lê Duy Đản và ông được cử sang Yên Kinh cầu cứu nhà Thanh. Quân Mãn Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống và tùy tùng đào vong, ông bị bệnh không theo kịp xa giá, liều trốn về quê ở ẩn. Vua Quang Trung mấy lần mời ông ra cộng tác, ông tìm cách từ chối. Mặt khác, ông lặng lẽ lo việc “Cần vương”, cùng với các cựu thần là Trần Quang Châu, Dương Đình Tuấn mưu dấy binh chống lại Tây Sơn nhưng nhanh chóng tan rã. Năm 1794, sau khi nghe tin Chiêu Thống đã chết trên đất Tàu, ông quay mặt về hướng bắc, kêu gào thảm thiết rồi chết ở tuổi tròn 40. Đời ông là một tấn bi kịch của sự ngu trung!
Tác phẩm của nhà thơ Trần Danh Án
Về sự nghiệp văn chương, ông để lại Lịch đại chính yếu luận có giá trị sử học. Tác phẩm trình bày sơ lược chính sách của các vương triều từ Định đến Trần. Nam phong giải trào (còn gọi là Quốc phong giải trào) và Nam phong nữ ngạn tú là công trình sưu tầm văn học dân gian Việt Nam, chủ yếu là ca dao, tục ngữ. Cuốn Nam phong giải trào được in ấn vào đầu thế kỷ XX (1910) bằng chữ Nôm, có phần được Trần Danh Án dịch ra chữ Hán. Riêng công việc sưu tầm, biên soạn, chú giải này đã chứng tỏ, dù quan điểm chính trị có hạn chế nhưng Trần Danh Án rất trân trọng vốn quý của nhân dân. Quả thật, cống hiến của danh nho họ Trần là độc đáo và có ý nghĩa đáng ghi nhận, mở đầu cho việc tìm về cội nguồn của văn học dân tộc.
Liễu Am thi tập còn gọi là Tản Ông thi tập… là tác phẩm chính của Trần . Danh Án, tập hợp thơ dưới nhiều thể tài như vịnh, cảm tác, thù tạc trong nhiều thời kỳ khác nhau, lúc thành đạt, khi thất thế hay lúc đi sứ Thanh… Trong tập cũng có những bài thơ xướng họa giữa ông và các danh sĩ đương thời như Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Nguyễn Hữu Chinh…
Ông đã nhiều lần khước từ không nhận quan chức triều Tây Sơn, thậm chí đã tìm cách chống lại, nhưng lạ là trong Liễu Am thi tập không có bài nào trực tiếp phê phán, đả kích Tây Sơn. Ngoài phần thù tiếp, thơ ông đã giãi bày tâm sự cô trung của bản thân ông. Những bài như Thánh bẩn, Thư dạ hàn thán về cảnh nghèo, nói về nỗi buồn thất thế. Đọc bài thơ Trừ tịch (Đêm 30) “Ngày mới tới gần, ngày cũ sắp qua, Người mới cười vui, người cũ than khóc” : (Dịch xuôi) phản ánh đúng tâm trạng bi kịch của tác giả. Rõ ràng Liễu Am tiên sinh không vượt qua được cái thiên kiếm có phần bảo thủ của mình.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác