Royalty-Free photo: Notebooks with colourful pencils on a wooden desk |  PickPik

Giới thiệu nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Royalty-Free photo: Notebooks with colourful pencils on a wooden desk | PickPik

Tiểu sử nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, có tên thật là Dương Minh Hương, sinh ngày 19.4. 1941, tại Hà Nội. Quê gốc : xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh  Hưng Yên. Bà là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, đi chiến trường miền Nam làm phóng viên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Trong mọi lần đi công tác tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, bà bị địch phục kích, hy sinh ngày 8.3.1969 giữa lúc tuổi đang sung sức hứa hẹn nhiều sáng tác mới. Bà là vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc và là mẹ của bé Ly trong bài thơ Khẩu súng của bé Ly. Bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm của nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Tác phẩm : Chỗ đứng (tập truyện -1968), Hoa rừng (truyện và ký – 1970). Bà được nhận Giải nhì cho bút ký Sa mạc tuổi thơ của tuần báo Văn nghệ 1965. Dương Thị Xuân Quý sáng tác còn ít. Một số truyện ngắn sau được tập hợp trong Truyện và ký (NXB Giải phóng – 1970). Bút ký Sa mạc tuổi thơ viết về một miền quê bên bờ sông Chu tỉnh Thanh Hoá. Đó là “thôn Hương nằm gọn trong vòng ôm của con đê cao” mà những năm tản cư thời chống Pháp, người viết cùng gia đình đã có ít nhiều gắn bó. Bài ký khá nhuần nhị, có cảnh, có người. Cảnh ở đây là “những bãi dâu bát ngát và một dải cát mênh mông trỗi lên, cao vượt khỏi bãi dâu và mặt để”. Đó là nơi tác giả có nhiều kỷ niệm trong những ngày bé thơ. Tác giả viết: “Về thôn Hương, đi từ phía nào lại, cũng nhìn thấy bãi cát đó. Trông xa nó nổi lên như một hòn đảo trắng, lóng lánh dưới nắng. Đến gần, mới nhận ra những cồn cát nhỏ mấp mô trên bãi như làn sóng”. Bọn trẻ con trong làng gọi bãi cát ấy là sa mạc. Vì tuy ở ven sông nhưng bãi không hề đọng một giọt nước. Cả lúc ngập lụt, nó vẫn trơ trơ như hòn đảo khô khóng. “Ngày nóng, cát nóng hầm hập như một cái chảo rang. Mùa hanh, từng cơn gió khô khan như chiếc chối vô hình quét lên những cồn cát, làm cả vùng trời bụi mù mịt”. Ta nhận ra ngay đây là nét bút gợi tả chân thật. Tả mà như họa, như vẽ trước mắt người đọc. Đối với một bài ký, đây có thể coi là một nét họa khá chỉ tiết. Đó là cảnh, còn người thì như thế nào ? Hãy đọc tiếp một đoạn nữa : “Thế mà bọn trẻ con chúng tôi lại rất thích bãi cát đó. Những hôm trời râm, chúng tôi cứ buộc cho trâu đầm ở dưới sông, rồi lên bãi chơi tập trận giả. Bọn con trai thường nấp sau những cồn cát, ném lựu đạn bằng quả lim có khía bầu dục. Chúng nó khoét giao thông hào, đào hầm hố, rồi reo hò, la hét : “Mở chiến dịch tấn công” giành nhau từng cồn cát. Bọn con gái chúng tôi thì lấy lá chuối cắm thành lều nhỏ trên bãi, làm “trạm cứu thương”. Thế đó, biết bao chuyện hồn nhiên tinh nghịch của tuổi ấu thơ khiến cho người viết còn lưu giữ mãi trong lòng mình như những kỷ niệm đẹp. Hơn một chục năm sau, người viết có dịp trở về chốn cũ thì cái sa mạc ấy đã không còn nữa mà là một màu xanh dâu đổi bát ngát. Người viết gặp lại những bạn bè tuổi thơ xưa, những cô Khếnh, anh Long, chỉ thiếu đi một số bạn nhỏ ngày ấy nay đã trưởng thành đi thoát ly hoặc đi bộ đội. Họ là những đoàn viên thanh niên tình nguyện đem đất phù sa trải lên sa mạc cát và trồng thành công cây dâu trên đất cát. Kỳ tích của họ quả là phi thường, có thể sánh ngang với việc bồi đắp của một bãi bồi trên sông Chu. Tác giả viết : “Kể cũng đáng tự hào thật khi những bàn tay của tuổi trẻ thôn Hương đã đổ vào đây hơn ba vạn công để tạo ra 130 tạ lá dâu một năm trên những cồn cát cháy nắng, vắt không nổi một giọt nước. Số dâu ấy đủ nuôi cho 216 nong tằm. Ngân ấy tằm thành một núi kén vàng ngời ngợi, thành vô số vòng tơ nuột nà như những mái tóc vàng. Để rồi thừa sức dệt được 1.560 vuông sồi – những tấm sồi trắng ngà mềm mại, rùng rình như mặt nước sông Chu về mùa thu, những tấm sồi đủ may cho mỗi đầu người ở thôn Hương  hai bộ quần áo”. Bài bút ký ca ngợi sự đổi thay ở một vùng quê, đặc biệt ca ngợi sức mạnh kỳ diệu của lớp người tuổi trẻ khi họ có được một tập thể đồng tâm nhất trí. Với tập thể ấy, họ đã làm được những kỳ tích biến bãi cát hoang hoá nóng bỏng thành bãi dâu xanh mát, một câu chuyện thật hy hữu hiếm có trong những năm xây dựng hợp tác xã. Với cách viết nhuần nhị nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết chân thực về người, về cảnh, vẻ cả những số liệu thống kê, bài ký đã được trao giải nhì trong một cuộc thi không có giải nhất của tuần báo Văn nghệ năm 1965. Giờ đây đọc lại bài ký, người đọc vẫn thấy giải thưởng ấy là xứng đáng.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Bao

Dương Thị Xuân Quý còn viết nhiều, nhưng vốn là một phóng viên, bà chủ yếu là viết tác phẩm báo chí. Sau này tập hợp lại những sáng tác văn chương, cả truyện và ký mới được một tập Hoa rừng chừng hơn 200 trang sách. Sáng tác của một người viết như thế có thể nói là ít vì bà đã hy sinh ngay lúc mới 28 tuổi đời. Song những gì bà còn để lại có thể coi đó là những hạt ngọc. Trong một đoạn nhật ký, bà viết về đứa con gái bé bỏng : bé Ly với những dòng xúc động : “15.12.1968, đến hôm nay Ly của mẹ đã nói hai tiếng, và khi đã nói được hai tiếng một thì con đã phải trả lời hai tiếng này : Bố đâu ? Đi Nam. Mẹ đâu ? Đi Nam. Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá ! Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố. Vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là mẹ đi xa”. Và trong lá thư cuối cùng gửi cho nhà văn Chu Cầm Phong ghi ngày 2.3.1969, tức là trước lúc hy sinh sáu ngày, bà viết : “May mắn tôi được có mặt, Xuyên Hoà kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động, gặp nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ”. Giá như bà còn sống. chắc là những trang viết của bà sẽ thật đất giá, vì bà là nhà văn chiến sĩ dùng mạng sống của chính mình để có được những trang viết xúc động. Sự thật là, điều giá như ấy không bao giờ xảy ra nữa vì ngày 8.3.1969 bà đã hy sinh trong một cuộc bị địch phục kích bên bờ sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhớ Dương Thị Xuân Quý là nhớ một nhà văn nữ liệt sĩ, tài năng đã phát  lộ và đã có những đóng góp nhất định nền văn xuôi hiện đại Việt Nam nữa sau TK XX.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Nguyễn Trọng Quản

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top