Tiểu sử nhà văn, hoàng đế Lý Thái Tổ
(974 – 1028)
Nhà văn, hoàng đế Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, sinh ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (8. 3. 974), mất ngày 3 tháng Ba năm Mậu Thìn (31. 3. 1028). Quê gốc : làng Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Không thật rõ gốc tích, chỉ biết ông có bà mẹ họ Phạm. Ông làm con nuôi thiền sư Lý Khánh Văn từ năm lên 3 tuổi. Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, sau ông trở thành một trong những nhân vật trụ cột của nhà Tiền Lê, làm quan đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh (Ngọa Triều) qua đời, Lý Công Uẩn được triều đình suy tôn đưa lên ngai vàng vào ngày Quý Sửu tháng Mười, lập ra nhà Lý, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Trong gần 20 năm làm vua, ngoài những công lao to lớn trên các phương diện xây dựng kinh tế, văn hóa, củng cố nền độc lập tự chủ dân tộc, Lý Công Uẩn đã có một đóng góp nổi bật mang ý nghĩa lịch sử là việc ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La và đối tên là thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội.
Tác phẩm của nhà văn, hoàng đế Lý Thái Tổ
Tác phẩm hiện chỉ còn Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) (1010), viết bằng chữ Hán, gồm 214 chữ. Trong phần mở đầu bài Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã dẫn việc đời đô của các nhà Thương, Chu – hai triều đại nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại – để khẳng định việc dời đô đã có tiền lệ và tuân theo yêu cầu khách quan của “mệnh trời” và “ý dân”, nhằm tới mục đích “mưu toan nghiệp lớn”, “tính kế muôn đời cho con cháu” mai sau… Bằng lối văn khúc chiết, lập luận chặt chế, Lý Thái Tổ đã chỉ rõ mặt hạn chế khi đóng đô ở Hoa Lư và xác định rõ ưu thế của thành Đại La cả về địa thế, thế mạnh trước mắt và lâu đài “ở vào nơi trung tâm trời đất, “muôn vật rất mực phong phú tốt tươi”, “Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”… Đồng thời với ý nghĩa là tác phẩm đầu tiên ca ngợi thắng cảnh Thăng Long, Chiếu dời đô đã thể hiện sâu sắc hoài bão độc lập dân tộc và sự trưởng thành vượt bậc của ý thức quốc gia. Bài chiếu là một văn kiện lịch sử quan trọng và cũng là một tác phẩm văn chính luận ngắn gọn, sâu sắc và xuất hiện vào loại sớm nhất ở Việt Nam.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác