Tiểu sử nhà văn Nguyễn Du (1766 – 1820)
Nhà thơ lớn, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Trong thời gian sống ở quê nhà, ông còn có hiệu Hồng Sơn liệp hộ và Nam Hải điếu đồ. Quê gốc : làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, xứ Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Quê mẹ : làng Hoa Thiều, xứ Kinh Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân từ thế gia vọng tộc. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp, tước Xuân quận công, làm quan đến chức Đại tư đô. Bác ruột ông là Nguyễn Huệ (1705- 1733), đậu Tiến sĩ (chưa kịp vinh quy thì lâm bệnh mất đột ngột). Anh cả ông là Nguyễn Khản (cũng có tên Nguyễn Lệ) đậu Tiến sĩ làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng), tước Toản quận công. Các anh khác như Nguyễn Điều, Nguyễn Nễ đều được phong tước hầu. Họ Nguyễn Tiên Điển vừa nổi tiếng khoa hoạn lại vừa nổi tiếng văn thơ. Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản và sau này là Nguyễn Hành đều có thơ văn để lại.
Nguyễn Du sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, thi đậu tam trường hương thí (Tú tài) lúc 19 tuổi. Sau đó ông dời kinh đô lên Thái Nguyên nhậm một chức võ quan của người cha nuôi họ Hà. Từ khi triều Lê – Trịnh sụp đổ, ông bỏ quan về quê vợ ở Quỳnh Côi, xứ Sơn Nam, rồi vào sống nhiều năm ở vùng sông Lam, núi Hồng, trải qua mọi cảnh ngộ gian nan : đại gia bị phá sản, anh em ly tán, nhà nghèo… Đây là thời kỳ mà ông coi là “thập tải phong trần”. Trong “Mười năm gió bụi” này, có lúc ông dự định gia nhập đám Cần vương phò Lê hay chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, dựa vào quân chúa Nguyễn để khôi phục nhà Lê! Tất cả đều không thành. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lập triều đại Nguyễn ở tân đô Huế. Đầu niên hiệu Gia Long, triều đình xuống chiếu lục dụng các cựu thần nhà Lê. Ông được cất nhắc và không thể khước từ.
Năm 1802, ông được bổ nhiệm Tri huyện Phù Dung (tức Phù Cừ, Hưng Yên), sau thăng Tri phủ Thường Tín (thuộc Hà Tây). Năm 1805, nhận hàm Đông các điện học sĩ, tước Du đức hầu. Năm 1809, làm Cai bạ dinh Quảng Bình, được đánh giá là quan cai trị giỏi “sĩ phu và nhân dân đều thương yêu”. Năm 1813, về kinh lĩnh chức Cần chánh điện học sĩ, sung Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) triều cống. Lúc trở về nước, ông được thăng Hữu tham tri bộ Lễ, thuộc hàng đại thần. Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mệnh nối ngôi, một lần nữa Nguyễn Du được cất cử làm Chánh sứ sang Yên Kinh. (Bắc Kinh) cầu phong cho vua mới. Chưa kịp lên đường thì ông mất tại kinh đô Huế, hưởng thọ 55 tuổi. Di cốt ông đã được đời về làng cũ Tiên Điền.
Kể lại cuộc đời làm quan của Nguyễn Du, sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi nhận: Nguyễn Du làm việc chăm chỉ, nhưng hay cáo bệnh về nghỉ đến bốn, năm lần. Ông lại rụt rè ít nói nên vua Gia Long đã có lần quở trách : “Nhà nước dùng người, cứ kẻ hiển tài là dùng, chứ không phân biệt Nam, Bắc. Ngươi với ta đã được ơn tri ngộ, làm quan đến bậc Á khanh, biết việc gì thì phải nói, để bày tỏ hết trách nhiệm của mình, sao cứ sợ hãi, rụt rè, chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện thôi ?”. Có thể nói : phần nào Gia Long đã nhìn thấy tâm sự của Nguyễn Du. Không những ông có tài xuất chúng về văn chương, mà ông còn giỏi trị nước an dân, nhưng quả thật ông chỉ làm “cho qua chuyện”, bởi những năm tháng quan trường của ông chỉ là một chuỗi nỗi niềm u uẩn, day dứt : “Bó thân về với triều đình, Hàng thân lơ láo – phận mình ra đâu! Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chỉ!” (Truyện Kiều).
Tuy vậy, đây mới chỉ là một phần – dù rất sâu sắc – tâm sự của Tố Như. Trước khi từ giã cõi đời, Nguyễn Du còn có bao nhiêu điều muốn giãi bày với hậu thế. Hai câu trong bài Độc Tiểu Thanh ký đã bộc lộ điều đó : “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?” (Ba trăm năm nữa ta không biết, Thiên hạ ai người khóc Tố Như ?). Đọc phần di sản văn chương của ông, chúng ta còn hiểu thêm ít nhiều tâm sự của nhà thơ.
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Du
Về thơ chữ Hán có Thanh Hiên thi tập (2 tập), Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Cả ba tập có đến ngót 1.000 bài, nay còn lại khoảng 249 bài trong đó Bác hành tạp lục có 131 bài.
Về văn thơ Nôm có Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều, truyện thơ lục bát, Văn tế thập loại Chúng sinh, cũng gọi là Văn chiêu hồn, viết theo thể song thất lục bát, Thác lời trai Phường nón gửi gái phường vải, bài về lục bát, Văn sinh tế Trường Lưu nhị nữ (Văn tế sống hai á Trường Lưu) viết theo thể biền ngẫu, độc vận.
Ngoài ra, tương truyền Nguyễn Du còn là tác giả của một số câu hát đối đáp giao duyên lưu hành trong dân gian.
Đoạn trường tân thanh tức Truyện Kiều là tác phẩm lớn của Nguyễn Du, một truyện thơ Nôm gồm 3.254 câu lục bát. Truyện Kiều đã nâng vị trí của tác giả lên hàng đại thi hào dân tộc, đã và đang đặt ra, gợi mở bao nhiêu vấn đề về nội dung và nghệ thuật trong đông đảo độc giả, trong giới thưởng thức và nghiên cứu văn học hàng trăm năm nay. Là kiệt tác của nền văn học trung đại, tác phẩm Truyện Kiều đã trở thành di sản văn chương vô giá của cả dân tộc. Nguyễn Du viết Truyện Kiều có thể tại Quảng Bình, lúc ông đương chức Cai bạ bốn năm tại đó (1809 – 1813), cũng có thể tại kinh đô Huế, sau chuyến đi sứ Yên Kinh vẻ (1814 – 1820 2). Điều đáng lưu ý hơn cả là nội dung của tác phẩm đã đề cập một cách khái quát, sâu sắc những vấn đề lớn rất bức xúc của xã hội, của vận mệnh con người trong suốt thời Lê mạc – Nguyễn sơ, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của chế độ phong kiến.
Sáng tạo lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc), dựng lên xã hội Truyện Kiều hiện thực và sinh động, thi hào Nguyễn Du muốn giãi bày với người đương thời và để lại cho hậu thế rất nhiều điều mà ông đã bao phen thao thức, trăn trở : “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng !”.
Thông qua cuộc đời nổi chìm của nhân vật chính Thúy Kiều, nhà thơ đã khắc họa bao kiếp người, nhất là người phụ nữ, bị hắt hủi, bị vùi dập dưới chế độ phong kiến thối nát và bạo tàn. Vấn đề nội dung tác phẩm nêu lên là vấn đẻ vận mệnh của những con người, của bao kiếp người bị áp bức đau khổ.
Thúy Kiều sắc nước hương trời, đa tài, đa tình, đa sầu, đa cảm và rất giàu lòng vị tha, thế nhưng cuộc đời nàng lại chồng chất nỗi bất hạnh “Hết hạn nọ đến nạn kia”, “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường”… dẫn đến kết cục cực kỳ bi thảm ! Mưu toan dìm nàng vào đêm đen mờ mịt không phải là một người, một thế lực, mà là đủ hạng người và rất nhiều thế lực ác ôn. Ví như quan lại, cũng có năm bảy thứ quan : quan lớn, quan bé, quan trong, quan ngoài, quan ông, quan bà, quan cô… và lại là những bọn nhặng xanh, đầu trâu mặt ngựa… Sau bọn quan lại là thế lực quý tộc nắm quyền sinh, quyền sát, tha hồ thao túng trước mũi của pháp luật ! Thế lực đồng tiền trở nên vạn năng cũng tác oai tác quái ghê gớm. Không thể không kể đến thế lực nhà chứa. Cái xã hội lúc đó đã suy thoái đến mức bọn buôn thịt, bán người đã tạo thành một “nghề” chính cống. Chúng dựng lên thành hoàng riêng, sách “dạy nghề” riêng và dung dưỡng cả một bẩy lâu la chuyên kiếm ăn trên lưng gái làng chơi. Con người lương thiện hễ sa cơ, lỡ vận là y như rơi vào cạm bẫy này hay cạm bẫy khác. Kẻ tài sắc là nạn nhân bị săn đuổi đến cùng! Người dân bình thường đã tổng kết : “Chạy trời không khỏi nắng!”, Nguyễn Du thì kêu to : “Biết thân chạy chẳng khỏi trời!”. Giá trị tố cáo của tác phẩm càng nhạy bén và sâu sắc, toát lên tinh thần nhân văn cao cả khi nhà thơ thể hiện kỳ tài đời sống nội tâm của nhân vật đa nạn. Hơn ai hết, nạn nhân Thúy Kiều tự cảm thấy đời mình không đáng khổ mà phải cắn răng chịu đựng bao nỗi oan khiên, bao điều tủi nhục. Như cánh bèo trên ngọn sóng, đời nàng trôi dạt đến tận cùng của bến bờ khổ ải:
– Đành thân cát dập sóng vài,
Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh !
– Thân sao thân đến thế này ?
Còn ngày nào cũng dự ngày ấy thôi!
Rõ ràng giữa trời cao bể rộng và đất nước bao la, không còn có chỗ dung thân cho một con người, dù con người ấy chỉ có một nguyện vọng đơn giản và tha thiết là được sống bình thường bên cạnh cha mẹ, người tình ở nơi quê cha đất tổ !
Càng căm ghét cái xã hội bất lương bao nhiêu, thi hào Nguyễn Du càng bày tỏ lòng thương yêu con người vô hạn, trân trọng tài năng và phẩm giá con người bấy nhiêu ! Không những chia sẻ nỗi đau mà nhà thơ đường như lúc nào cũng sẵn sàng ghi nhận những niềm vui bình dị, những khát vọng tha thiết của nàng Kiều.
Chúng ta đã chẳng thấy mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều đẹp như một giấc mơ, lung linh trong mọi thời đại, bởi vì mối tình ấy “đi trước thời đại” đã khiến cho không ít nhà đạo đức phong kiến bất bình đó sao ? “Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều !”.
Lại nữa, chắc chắn vì tình yêu mãnh liệt đối với cuộc sống mà nạn nhân Thúy Kiều không cam chịu khuất phục. Bất chấp mọi thế lực vây hãm, nàng luôn luôn có ý thức vươn tới một cuộc sống tự do, công bằng và có hạnh phúc. Nàng vượt ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục hay thoát khỏi hang hùm nọc rắn của nhà quý tộc họ Hoạn, cuối cùng đến được với người tri kỷ – anh hùng Từ Hải là cả một quá trình đeo đuổi không lùi bước lý tưởng đẹp kể trên. Nhà thơ nhân đạo Tố Như dường như lúc nào cũng ở bên cạnh nàng để chia sẻ mọi nỗi vui buồn, Ông đã từng hết lời ca ngợi nàng là tấm gương hiếu nghĩa, là người rất mực chung tình và biết ơn đền, oán trả rất phân mình… “Đã nên có nghĩa có nhân, Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen!”.
Nêu lên bấy nhiêu phẩm chất tốt đẹp của Thúy Kiều bị vùi dập là để đối lập với thực trạng xã hội xấu xa, đầy tội ác, Tố Như đã khẳng định quyền sống và phẩm giá con người, cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo cao cả đang tỏa sáng khắp bầu trời, khát vọng mà thời đại đang đòi hỏi, đang vươn tới.
Những vấn đề nội dung Truyện Kiều đặt ra là vấn đề của mọi con người, của cả thời đại, ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam, lúc chế độ phong kiến suy thoái đang trên con đường băng hoại.
Nội dung tác phẩm mang tính thời đại và tính dân tộc sâu sắc ấy lại được thể hiện bằng một hình thức nghệ thuật siêu việt. Âm hưởng của Truyện Kiều đã từng làm say lòng người của bao thế hệ ! Tiếng nói Việt Nam ở đây đã làm nên “Khúc Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ), “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” (Phạm Thạch Sơ). Thiết tưởng mỗi độc giả đều đã nhận thấy như vậy, mỗi lần đọc lại Truyện Kiều, ai cũng có thể tìm thêm được nhiều điều mới lạ.
Nghệ thuật Truyện Kiều đã đạt đến những thành tựu xuất sắc về nhiều phương diện. Trước hết, thi hào Nguyễn Du đã tái tạo tác phẩm từ Kim Vân Kiều truyện, một cuốn tiểu thuyết chương hồi bình thường ít người biết. Nhìn chung, ông giữ nguyên cốt truyện, nhưng gia công rất lớn. Đoạn trường tân thanh vượt nguyên tác về kết cấu gọn gàng, chuyển mạch hợp lý, tình tiết chọn lọc, bớt hẳn sự rườm rà rối rắm. Các nhân vật trong Truyện Kiều thuộc mọi tuyến: chính diện, phản diện hay trung gian, từ ngoại hình, diện mạo, hành động đến tính cách, bản lĩnh đời sống nội tâm… đều chân thực và sống động hơn so với Kim Vân Kiều truyện. Nổi trội nhất là giá trị tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm. Nếu Thanh Tâm Tài Nhân muốn thông qua tác phẩm để thuyết lý, biện minh cho tài mệnh tương đố, tức là thuyết định mệnh truyền thống, thì Tố Như tiên sinh không theo con đường mòn đó ; ông viết Truyện Kiều để khẳng định quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người, quyền chống lại mọi áp bức bất công, kể cả sự áp đặt của định mệnh, thiên mệnh, dù rằng ông chưa tìm ra lối thoát cho vận mệnh của con người ! Bi kịch của thi sĩ cũng là bi kịch của thời đại ông. Do đó, Truyện Kiều trở nên tác phẩm rất vĩ đại. “Kỳ tài diệu bút Thanh Hiên viễn quá Thanh Tâm”, đúng như hậu nho Nhữ Bá Sĩ nhận xét.
Truyện Kiều thuộc thể loại truyện thơ, một truyện thơ kiệt tác, để lại cho hậu thế nhiều bài học về chọn chủ đề, kết cấu, phân đoạn chuyển mạch, xây dựng nhân vật… Có người coi Truyện Kiều là cuốn tiểu thuyết thời trung đại đã đạt đến trình độ mẫu mực (Nguyễn Đình Thi). Trong nhiều thành tựu lớn kể trên thì thành tựu về nghệ thuật xây dựng các hệ thống nhân vật là đặc sắc hơn cả. Nguyễn Du đã tạo ra một thế giới nhân vật, y như những người thật trong cuộc đời, mỗi người mỗi vẻ không lẫn vào đâu được (Hoài Thanh). Dù người đọc có thấy sự hạn chế bút pháp miêu tả ngoại hình nhưng nhà thơ thiên tài Nguyễn Du vẫn thể hiện kỳ diệu đời sống nội tâm của các nhân vật. Ông phát hiện tinh tế và cực kỳ chính xác những tính toán, mưu đồ, tâm tư, ý nghĩ của những Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư hay “đi guốc trong bụng” bọn Sở Khanh, Bạc Hạnh… Rồi một nàng Vân giản phác mà thông minh, một bà vãi Giác Duyên giàu từ tâm, một chàng Kim Trọng hào hoa rất mực thủy chung… mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một nếp nghĩ hoàn toàn phù hợp với vị trí của từng người trong tác phẩm. Thúy Kiều, nhân vật trung tâm, không chỉ là nhân vật tiểu thuyết, mà còn là tấm gương điển hình cho. bao kiếp người bị vùi dập trong cuộc đời cũ. Cái thế giới nội tâm muôn hình vạn trạng của nàng Kiều đa nạn ” Ma đưa lối quỷ dẫn đường” đã làm xúc động lòng người bởi ngòi bút tinh vi, tế nhị và vô cùng chân thực của tác giả. Ông đã rọi ngọn đèn vào mọi miền sâu thẳm của tâm hồn nhân vật với tất cả tấm lòng trắc ẩn, xót thương vô hạn. Do đó, Thúy Kiều bước vào cuộc đời y như một con người có thực. Bất cứ một người Việt Nam nào đọc Truyện Kiều đều ít nhiều bắt gặp mình trong nhân vật văn học có một không hai đó !
Việc Nguyễn Du sử dụng tiếng mẹ đẻ để viết Truyện Kiều được hậu thế đánh giá rất cao. Như con ong hút nhụy của muôn hoa để làm mật, nghệ sĩ Tố Như đã kết hợp nhuần nhuyễn vốn ngôn ngữ dân gian và vốn ngôn ngữ bác học để tạo nên ngôn ngữ Truyện Kiều “như làm bằng ánh sáng vậy” (Nguyễn Đình Thi), “là một viên ngọc quý cơ hồ không có vết, là một tiếng đàn lạ không bao giờ lỡ nhịp, ngưng cung” (Hoài Thanh).
Ngôn ngữ Truyện Kiều bao gồm cả từ Hán Việt và từ thuần Việt, nhưng đều được chọn lọc, sắp xếp và sử dụng đan xen cực kỳ chính xác, hợp lý và có sức gợi tả rất cao. Vốn từ Hán Việt, điển tích, điển cố, văn thi liệu rút từ kho tàng văn học Trung Quốc súc tích, điển nhã, khả năng truyền cảm phong phú, nhưng là con dao hai lưỡi. Với kỳ tài của mình, Nguyễn Du như có người nhận xét, đã điều khiển và phát huy hết sức mạnh của “đội âm binh” này. Từ Hán Việt trong Truyện Kiều đã tạo nên, âm hưởng hài hòa, trang trọng, có khi kết tụ cảm hứng chính của văn cảnh. Chẳng hạn : “Bắt phong trần, phải phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao !”. Một ví dụ khác : Hai câu “Sông Tương một giải nông sờ, Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”, bắt nguồn từ bài thơ tứ tuyệt của cổ thi Trung Hoa “Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ, Tương tư bất tương kiến, Đồng ẩm Tương giang thủy” (Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương, Nhớ nhau mà không thấy nhau, Cùng uống nước sông Tương). Chúng ta đều thấy : nhà thơ Tiên Điền chỉ lấy một phần thi liệu của bài ngũ ngôn để viết hai câu lục bát lâm ly uyển chuyển hơn. Cái tứ “nông sờ” rất sáng tạo. Những thành tựu đặc sắc như thế trong Truyện Kiên rất nhiều. Sử dụng vốn từ thuần Việt đa dạng, dồi dào, phong phú thực sự là “điệu bút”, ít nghệ sĩ nào bì kịp. Tiếng Việt văn học đã được kết tinh, trau chuốt trong kho tàng thơ ca và tục ngữ dân gian cũng như lời ăn tiếng nói hàng ngày – ngôn ngữ giao tiếp đều được Nguyễn Du đồng hóa, biến thành cái vốn của mình. Những khẩu ngữ thanh hay tục đều đặt đúng vị trí trong nhiều văn cảnh, ngữ cảnh thích hợp, không thể thay thế được. Ca dao dân ca, những lời ru truyền thống, luôn luôn vang vọng tâm linh người Việt, đã được thi hào dân tộc vận dụng rộng rãi, biến hóa linh hoạt, làm cho cái vốn quý đó tỏa sắc lên hương trong Truyện Kiều. Tiếng thơ Kiều do đó mà trong trẻo, đắm say, có sức lay động lòng người. Nguyễn Du được coi là bậc thầy về sử dụng từ ngữ. Ông sử dụng thực từ “đất” đã đành, ông còn tỏ biệt tài khi sử dụng hàng loạt hư từ. Những thì, là, mà, càng, cũng, như… và hàng chục hư từ, cũng gọi là quan hệ từ – khác, được trao cho sắc thái sống động trong nhiều văn cảnh. Cùng với hàng loạt biện pháp tu từ, Nguyễn Du đã nâng trình độ nghệ thuật Truyện Kiều đến mức vô song “Thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai !”
Với những thành tựu hết sức to lớn về nội dung và nghệ thuật, gần hai trăm năm nay, kể từ khi xuất hiện, Truyện Kiều được các tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu quý đón nhận. Bất cứ một người Việt Nam nào, kể cả kiều bào ở nước ngoài đều yêu thích Truyện Kiều, thuộc một số câu Kiều, một số đoạn Kiều hay thuộc lòng Truyện Kiều, say mê thưởng thức Truyện Kiều. Rất nhiều hình thức kiểu loại sinh hoạt văn chương được vận dụng phát huy khi đã tiếp cận tác phẩm như : ngâm Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, kể chuyện Kiều, ru con Kiều, hát ví Kiều, hát trò Kiều, bói Kiều, bình luận Kiều, nhiều cuộc luận chiến nổ ra xung quanh đánh giá Truyện Kiều. Riêng về nghệ thuật, mọi người đều chúng khẩu đồng từ hết lời ngợi ca văn chương Kiều là tuyệt diệu. Còn về nội dung, trong một thời gian khá dài, lời khen tiếng chê không bao giờ dứt. Kẻ thì khen hết mực, kẻ thì chê quá lời ! Khen hay chê đều tùy thuộc vào vị trí xã hội, thái độ chính trị hay quan điểm nghệ thuật của từng lớp người. Các vua tôi nhà Nguyễn từ Minh Mệnh đến Tự Đức “mê Nôm Thúy Kiều” và gượng gạo nêu cao trung hiếu tiết nghĩa trong Truyện Kiều. Các nhà nho đồng thời với tác giả như Phạm Quý Thích, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, Phong Tuyết Thập Thanh Thị rất quý trọng tác phẩm và biểu thị sự đồng cảm đồng tình với Nguyễn Du. Cá biệt, Nguyễn Công Trứ, chê Thúy Kiều là “đa dâm”. Lớp hậu nho tài tử như Chu Mạnh Trình mê Truyện Kiều với mơ ước “Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc”. Trong thời Pháp thuộc, Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều là “quốc hoa, quốc hồn, quốc túy” để đánh lạc hướng thanh niên đang háo hức tìm phương cứu nước. Các nhà chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng lần lượt phê phán giọng lưỡi xảo trá của Phạm Quỳnh gây tiếng vang lớn, dù rằng hai họ Ngô, Huỳnh nhìn nhận Truyện Kiều có phần thiên kiến. Vào những năm 30 cho đến trước Cách mạng tháng Tám – 1945, tầng lớp thanh niên trí thức, tiểu tư sản Tây học không muốn bàn đến “luân lý” Truyện Kiều, chỉ một mực đề cao lời hay ý đẹp, hình ảnh mỹ lệ của câu thơ Tố Như. Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh… đều có phần “thiên ái” nghệ thuật khi nghiên cứu, thưởng thức Truyện Kiều. Các tác phẩm của Nguyễn Bách Khoa bình luận Truyện Kiều mang tính xã hội học dung tục là một hiện tượng cá biệt. Từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay có thời kỳ (1955 – 1957) quan điểm xã hội học dung tục của một số người đã “tầm thường hóa” Truyện Kiều vĩ đại. Nhìn chung, từ dịp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du trở lại đây, vị trí nhà thơ và tác phẩm thiên tài của ông đã được Nhà nước, giới nghiên cứu văn học tôn vinh : Nguyễn Du là đại danh nhân văn hóa, nghệ sĩ thiên tài của đất nước, Truyện Kiều là đỉnh cao chói lọi của nền văn học cổ điển Việt Nam. Khoa nghiên cứu văn học, trình độ học thuật ngày càng được nâng cao thì sự tiếp cận Truyện Kiều cũng ngày càng khoa học và đa dạng. Nhiều thành tựu nghiên cứu nội dung và nghệ thuật tác phẩm ít nhiều có chiều sâu như : giá trị tư tưởng thẩm mỹ, nội dung xã hội của “tác phẩm, phương pháp nghệ thuật Truyện Kiều, thi pháp Truyện Kiều, thể loại truyện thơ và Truyện Kiều… Những phương diện khác của Truyện Kiều như vốn từ ngữ, mỹ từ pháp, mức độ điển hình hóa nhân vật v.v… đều đã và đang được quan tâm khai thác. Mọi người nhận thức được rằng : Truyện Kiều là một kho tàng quý, tiềm ẩn nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Tóm lại, mặc dù về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, ít nhiều còn bị hạn chế bởi ảnh hưởng của tư tưởng định mệnh và thi pháp ước lệ của mỹ học dưới thời phong kiến, nhưng vẫn là viên ngọc long lanh tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn cao cả xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam trung đại. Danh nhân NguyễnDu và kiệt tác Đoạn trường tản thanh (Truyện Kiều) là niềm tự hào của dân tộc, sẽ tồn tại lâu đài cùng non sông đất nước.
- Văn tế thập loại chúng sinh
Tương truyền, lúc lui về sống tại quê hương. Tiên Điển, Nguyễn Du thường lui tới chùa Diệc ở Vĩnh Dinh (nay là TP Vinh), kết bạn với vị sư trụ trì chùa này. Hằng năm, theo tập tục, nhà chùa
làm lễ chẩn tế các vong hồn chúng sinh vào dịp tết Trung nguyên (Ngày rằm tháng Bảy âm lịch). Đáp lời thỉnh cầu của sư cụ, nhà thơ Tố Như đã soạn thảo ra bài văn tế Nôm này. Chẳng ngờ, không mấy chốc, áng văn đã được lưu truyền rộng rãi và đã trở thành bài Văn chiêu hồn nổi tiếng được sử dụng trong các nhà chùa. Bài văn viết cho cõi âm, nhằm an ủi và giải thoát cho hằng hà sa số cô hồn phiêu bạt. Cái thế giới cô hồn ở đây hết sức đa dạng. Họ xuất thân từ mọi tầng lớp trong xã hội : từ công, hầu, khanh, tướng, tiểu thư, công nương, kẻ sĩ, thương nhân đến người lính thú, kẻ hành khất, người buôn thúng bán mẹt, kẻ bán thân nuôi miệng, người sa suối ngã cây… và cả những tiểu nhi tấm bé “Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha” v.v… Những mảnh hồn oan ấy bơ vơ, thất thểu khắp khe sâu, núi cao, đầu chợ, cuối sông…. kéo dài triển miên những năm tháng không nơi nương tựa, không ai khói hương ! Cái cuộc sống như thế dữ dội quá sức tưởng tượng “Ruột héo khô da rét căm căm”. Ngòi bút và trái tim của nhà thơ như rung lên khi phải vẽ nên nỗi thống khổ vô biên của bấy nhiêu kiếp người! Phải thực sự có tấm lòng từ bị bác ái của Đức Phật mới đồng cảm và bày tỏ tình thương bao la đối với cái thế giới “Trong trường dạ tối tăm trời đất” đó.
Chúng ta đều biết: viết về những cô, hồn, nhà thơ đâu chỉ dành riêng cho cõi âm. Ông muốn nói nhiều về cõi dương, về những người còn sống, về cái xã hội đau buồn đang tồn tại. Theo ông, xã hội ấy còn dữ dội hơn cả cõi âm vô hình vô ảnh “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm” Cũng như trong Truyện Kiều, ở đây tình thương và sự cảm thông kỳ diệu của nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa đáng trân trọng biết chừng nào ! Mộng Liên Đường chủ nhân, người gần đồng thời với Nguyễn Du đã nêu lên nhận xét hết sức đúng đắn về nhà thơ thiên tài “Nếu không có con mắt thông suốt cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì không thể có cái bút lực ấy”. Ngôn ngữ thơ và thể thơ song thất lục bát của bài văn tế ghi nhận thêm những thành tựu bậc thầy của nghệ thuật biểu hiện trong sáng, tính vi, đồi dào sức biểu cảm, đậm đà phong vị quê hương đất nước.
- Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
Theo Nguyễn gia thế phả, tức Gia phả họ Nguyễn, thì Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Sau này không còn lại đầy đủ các bài trong ba tập thơ này. Thanh Hiên tiền hậu tập còn lại 78 bài, Nam trung tạp ngâm 40 bài và Bắc hành tạp lục 131 bài.
Nếu hai kiệt tác Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh để cập đến những vấn đề chung về thời đại, về con người và xã hội có ý nghĩa khái quát thì thơ chữ Hán của Tố Như tiên sinh là những trang ký sự, nhật ký, những bài “thơ trữ tình tự sự, ký thác tâm sự của tác giả. Dõi theo những dòng thơ qua từng chặng đường của cuộc đời tác giả trong thơ chữ Hán, ta không thấy tác giả nói gì về thời trai trẻ lúc đang sống trong lầu son gác tía của Xuân quận công và của Tham tụng Nguyễn Khản. Tập Thanh Hiên là tập thơ “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi) bắt đầu từ 1786, lúc viên võ quan trẻ tuổi Nguyễn Du thất thế, đi lần trốn nhiều nơi. Tập Nam trung tạp ngâm viết ra trong thời gian làm quan với nhà Nguyễn từ 1802 cho đến lúc qua đời. Tập Bác hành tạp lực là tập thơ đi sứ Trung Quốc trong hai năm 1813 – 1814.
Dù thơ viết ra từ trong nước hay lúc ra nước ngoài, Tố Như không ngâm vịnh chung chung như kiểu Tiêu Tương bách vịnh, Động Đình hồ tam thập vịnh… mà mỗi bài thơ đều trĩu nặng một tâm tư, một suy cảm, một thái độ hay một phán xét. Thơ ông đượm buồn vì đời ông là những tấn bi kịch.
Thuở thiếu thời hẳn là cậu công tử họ Nguyễn Tiên Điền dùi mài kinh sử cũng để thực hiện hoài bão tu, tề, trị, bình, nhưng rồi tất cả trở thành hư ảo! Dấu ấn của mười năm gió bụi là một nỗi buồn sâu lắng, tái tê vì chí Cần vương không thành, lại phải vào tù ra tội, vì cảnh nhà họ Nguyễn tan nát, ly tán, vì bản thân nhà thơ “như ngọn cỏ bông lìa gốc” trong cảnh ngộ bị đát: đói rét không cơm áo, ốm đau không thuốc thang. Những vần thơ xốn xang nhức nhối về cuộc sống độ nhật như “Đa bệnh, đa sầu khí bất thư, Thập tuần khốn ngọa Quế giang cư, Lệ thần nhập thất thôn nhân phách, Cơ thử duyên sàng, khiết ngã thư…” (Lắm bệnh nhiều buồn cứ liên miên, Nằm co sông Quế mấy tháng liền, Lên bước bắt hồn thần chẳng nể, Leo giường gặm sách chuột không kiêng… – Ngọa bệnh). Hay “Tam xuân tích bệnh bần vô dược” (Bệnh ba tháng nghèo đành không thuốc – Mạn hứng I).
Càng buồn thảm hơn khi nhà thơ thở dài thất vọng vì không lối thoát, nhìn về phương trời nào cũng thấy mịt mờ, bế tắc : “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (Tạp thí I). (Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngắng nhìn trời, Hùng tâm và sinh kế cả hai đều mờ mịt). Có lẽ trong thời gian này, tâm trạng Nguyễn Du diễn biến phức tạp nhất. Có lúc trong ông chói lên nét vàng son của quá khứ xa vời về cái thời cụ Quận vinh quy bái tổ, cũng có khi hùng tâm, tráng chí dậy lên chốc lát… nhưng tất cả đều là ảo vọng! Ông thường nói về cái đầu sớm bạc, về cái “nạn” văn chương, về sự tồn tại của chính mình… Lúc khác, ông nêu ra ý muốn ở ẩn, một cuộc sống vô vi, thoát tục, hay trốn vào cuộc hành lạc “Chơi đâu là lãi đấy” (Nguyễn Công Trứ)… Thơ ông không chút tô vẽ về mình. Có điều khá đặc biệt, ông là cựu thần nhà Lê – Trịnh, đây đó có một số bài mang âm điệu hoài Lê, nhưng không có gì thật sâu sắc, mấy bài về Thăng Long cũng phảng phất tâm tư của tác giả Thăng Long thành hoài cổ (tức Bà huyện Thanh Quan). Ông coi Tây Sơn là cừu thù, vì ông đã từng hợp binh mã để chống Tây Sơn, hay ông dự định chạy theo Nguyễn Ánh, chống Tây Sơn cho trọn đạo phù Lê, nhưng trong thơ còn lại, chưa có một bài nào, ông nổi máu anh hùng như kiểu Phạm Thái “Căm gan tóc đứng dựng lên…”, công kích, phủ nhận hay mỉa mai, phỉ báng nghĩa quân Tây Sơn và nhà Tây Sơn. Có người cho rằng qua bài Long thành cầm giả ca, Tố Như còn bày tỏ ít nhiều cảm tình với triều đại này.
Viết Nam trung tạp ngâm, tâm trạng của ông cũng không mấy sáng sủa ở chặng đường quan trường này. Là quan thanh liêm nên nhà ông vẫn nghèo. Là người có nhân cách và tài năng nên dễ bị bọn đồng liêu gièm pha chèn ép. Có lẽ cái tâm sự lớn của ông được phần nào giải tỏa khi ông có dịp qua nước ngoài, ngọn bút của ông có phần bớt e dè, lại được tự do, thậm chí phóng khoáng hơn. Con người Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục cởi mở, bớt u uẩn, trầm uất như trong hai tập thơ kể trên. Mượn sự kiện và nhân vật nước người, ông lớn tiếng khen chê. Ông để cao rất nhiều tấm gương anh hùng hào kiệt cứu nước yên dân, tài năng kiệt xuất và giàu chính nghĩa cảm. Ông cũng phê phán nghiêm khắc những bọn đê hèn bán nước hại dân, để tiếng nhơ muôn đời. Qua đó, ông dường như muốn gửi gắm khát vọng vốn có của kẻ sĩ đất Việt. Hơn cả sự lên án với Phản chiêu hồn, ông còn phủ định cả cái chế độ vua quan mục nát của nước Sở và ông đã nêu lên một chân lý, hẳn là vua chúa cũng phải rùng mình: “Cổ kim vị kiến thiên niên quốc” (Xưa nay chưa thấy nước ngàn năm – một triều đại tồn tại ngàn năm – Vị Hoàng doanh). Đặc sắc nhất, cái tạo ra chủ nghĩa nhân văn cao cả trong văn nghiệp của Nguyễn Du là ông đã dành sự cảm thông kỳ diệu và sự yêu mến thân thương đối với nhiều lớp người bất hạnh, không phải chỉ trên đất Trung Hoa mà cả trên mảnh đất Việt đương thời. Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả, Trở bình hàng… dành cho những kiếp người nghèo khổ, những kẻ hoạn nạn cụ thể, sinh động, Long thành cầm giả ca hao hao giống người ca sĩ trong Tì bà hành của thi hào Bạch Cư Dị.
Đoạn trường tân thanh, Văn chiêu hôn, Thơ chữ Hán, tạo thành một bản đại hợp xướng về con người, về tình đời, về xã hội và về thời đại của đại thi hào Nguyễn Du.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác