Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng Phan Khôi

Giới thiệu nhà văn, nhà báo Phan Khôi

Nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa - tư tưởng Phan Khôi

Tiểu sử nhà văn, nhà báo Phan Khôi

Nhà văn, nhà báo Phan Khôi, tên hiệu là Chương Dân, biệt hiệu là Tú Sơn và nhiều bút danh khác. Quê gốc: làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng, thân phụ là Phan Trần (từng làm Tri phủ dưới triều Nguyễn), ông ngoại là Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 18 tuổi (1905), Phan Khôi đỗ Tú tài Hán học, tham gia phong trào Duy tân (1905 – 1908) ở Quảng Nam. Năm 1906, ông ra Hà Nội học Pháp văn và tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục nên bị bắt giam. – Năm 1911 được ra tù, Phan Khôi viết cho tờ Nam phong. Sau đó, bất bình với Phạm Quỳnh, chủ bút báo, ông vào Sài Gòn viết cho tờ Lực tỉnh tân vấn. Năm 1920, Phan Khôi trở ra Hà Nội và cộng tác với các báo Hữu thanh tạp chí, Thực nghiệp dân báo. Cũng trong thời gian này, ông dịch Kinh thánh cho Hội thánh Tin Lành. Năm 1928, hai tạp chí ông đang cộng tác bị đình bản, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn viết cho tờ Thần chung và giữ mục văn học cho tờ Phụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội và cộng tác với tờ Phụ nữ thời đàm. Năm 1936, Phan Khôi vào Huế làm cho tờ Tràng An, sau đó đứng ra xuất bản Nam Âm thi thoại (sau đổi là Chương Dân thi thoại). Năm 1939, Phan Khôi vào Sài Gòn lần thứ ba và dạy chữ nho, viết tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra. Sau thời gian này ông trở về Quảng Nam cho đến 1945. Từ 1946 – 1954, Phan Khôi làm công tác văn hóa ở chiến khu Việt Bắc, chủ yếu là dịch thuật. Năm 1954, Phan Khôi về Hà Nội, tiếp tục hoạt động văn hóa cho đến khi mất (1959).

Tác phẩm của nhà văn, nhà báo Phan Khôi

Phan Khôi là một người hoạt động  trên nhiều lĩnh vực, vừa là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, dịch thuật văn học… Tác phẩm chính của Phan Khôi gồm : Chương Dân thi thoại (phê bình thơ – 1936), Trở vỏ lửa ra (tiểu thuyết – 1939), Lỗ Tấn (dịch), Việt ngữ nghiên cứu… Năm 1931, Phan Khôi có mở một mục gọi là “Vai ngự sử  trên văn đàn” trên báo Phụ nữ tân văn để nhặt ra sai phạm trong các sáng tác văn thơ và báo chí (bây giờ có thể gọi là mục “Dọn vườn” hay “Đãi sạn”). Theo Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại thì : ” Phan Khôi mà đóng vai ngự sử văn đàn thì thật là xứng đáng, vì không mấy người kiếm được nhiều điều kiện như ông : có óc tỉ mỉ, soi mói, lại dùng chữ rất đúng, học rộng, kinh nghiệm nhiều. Từ ngày các mục ấy không còn, tôi thấy rằng về sau các tạp chí văn học khác cũng có nêu lên những mục tương tự như thế, nhưng không mấy người đủ tài để viết”. Sự nghiệp phê bình văn học của Phan Khôi chủ yếu gắn với hoạt động báo chí, ví như nhiều người nhận xét : Phan Khôi với phong trào báo chí giai đoạn 1932 – 1945 có nhiều duyên nợ vì bản tính ông thích tranh luận và đó lại là thời kỳ báo chí phát triển mạnh (ông in các bài phê bình văn học trên các báo Nam phong, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ thời đàm, Hà Nội báo, Tao đàn, Lục tỉnh tân văn, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Thân chúng, Trung lập báo…). Trong các báo trên thì Phụ nữ tân văn là nơi Phan Khôi xuất hiện nhiều hơn cả, là cây bút chủ lực, thường xuyên viết về các đề tài phụ nữ, về văn học nữ giới, thời luận xã hội… Đáng chú ý là các bài tranh luận của ông (5 bài liền) với Trần Trọng Kim về quyển Nho giáo (Trần Trọng Kim biên khảo) hay những bài tranh luận của ông với Phạm Quỳnh xung quanh Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đọc thêm  Giới thiệu tác giả Sái Thuận

Quyển Chương Dân thi thoại của Phan Khôi (xuất bản năm 1936) là cuốn sách rất đáng chú ý, với tư cách là một tác phẩm phê bình văn học. Cuốn sách này được thai nghén trong vòng 20 năm, bao gồm nhiều bài viết của ông về thơ trong mục “Nam âm thi thoại” đăng trên các báo xuất bản từ 1918 đến 1932 (sách dày 130 trang, gồm 43 tắc tức là 43 câu chuyện bàn luận về thơ). Lối viết của Phan Khôi trong cuốn sách này rất mạnh bạo nhưng cũng rất ý nhị, đậm đà, bởi chính ông cũng là một thi sĩ có tài, lại được sự học rộng nâng đỡ. Xét về tính hệ thống của các luận điểm, theo cách nhìn bây giờ, thì quyển sách chưa đạt được, vì tác giả không theo một hệ thống liên tục nào, cũng không theo trình tự thời gian, hễ gặp bài thơ nào hay một ý nghĩ bất chợt về thơ nào là ông viết. Vì lẽ đó đây là một tập sách phê bình thơ có tính chất ngẫu hứng.

Trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, Phan Khôi còn được ghi nhận như là người khai phá, sáng lập phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Ngày 10.3.1932, trên báo Phụ nữ tân văn (số 122), Phan Khôi cho trình làng bài thơ Tình già với tựa đề “Một lối Thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Thơ mới do Phan Khôi đề xướng, được Lưu Trọng Lư hưởng ứng và sau đó là một loạt các thi sĩ trẻ tài danh ủng hộ rầm rộ. Mới đầu các nhà thơ mới dùng Phụ nữ tân văn làm nơi chiêu mộ đồng minh, sau đó chuyển sang báo Phóng hóa làm cơ quan tuyên truyền. Sau 1954, Phan Khôi có tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Trần Huy Liệu

Sự nghiệp văn học của Phan Khôi kéo dài trong ngót nửa thế kỷ. Trước 1945 ông được xem là nhà văn thuộc nhóm “Các nhà văn độc lập” (theo cách phân loại của ông Vũ Ngọc Phan). Là nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học, ông được gọi là một nhà cựu học nhưng lại canh tân, ngay cả đến những người “tân học” cũng khó lòng bì kịp. Văn nghiệp của ông chủ yếu là các bài luận thuyết, phê bình, khảo cứu đăng trên các báo suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Phan Khôi được mệnh danh là người toàn tài trong các lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn, thơ. Tuy nhiên chất nhà báo ở Phan Khôi rất mạnh và rõ, kể cả khi ông viết tiểu thuyết (ví dụ cuốn Trở vỏ lưœ rư). Vũ Ngọc Phan gọi Phan Khôi là “một tay kiện tướng” trong nghề báo.

Ngày nay, khi nghiên cứu sự phát triển của văn học và báo chí Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, không thể không công nhận vai trò của Phan Khôi với những hoạt động tích cực của ông, góp phần làm cho văn đàn trở nên sôi nổi và phong phú, đặc biệt là sự khởi xướng hợp thời của ông cho sự ra đời của phong trào Thơ mới (1932 – 1945), vốn được xem là một cuộc cách mạng trong thơ ca Việt Nam thế kỷ XX.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Hoàng Đạo

Năm 1997, NXB Đà Nẵng đã in Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi (sách này in lần thứ nhất năm 1950 tại Việt Bắc với tên Tìm tòi trong tiếng Việt). Lần in thứ hai cuốn sách của Phan Khôi có lời giới thiệu của Giáo sư Hoàng Tuệ “Công trình này cần đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt là các sinh viên đại học khoa Ngữ văn”.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác

Scroll to Top