Nhà văn Thanh Châu sống và viết – VIẾT VÀ ĐỌC

Giới thiệu nhà văn Thanh Châu

Nhà văn Thanh Châu sống và viết – VIẾT VÀ ĐỌC

Tiểu sử nhà văn Thanh Châu

 Nhà văn Thanh Châu, sinh ngày 17. 9.1912, tên thật là Ngô Hoan. Quê gốc : huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng tháng Tám, Thanh Châu làm báo, viết văn ở Hà Nội (từ những năm 30), công tác chủ yếu với tuần Báo Tiểu thuyết thứ bảy (ra đời năm 1934). Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân đội (Đại đoàn 304), phụ trách báo Vệ quốc quân và là thông tin viên báo Quản đội nhân dân. Sau 1954, ông công tác ở báo Văn, báo Văn nghệ.

Tác phẩm của nhà văn Thanh Châu

         Tác phẩm chính : Trong bóng tối (truyện ngắn -1936), Người thầy thuốc (truyện ngắn – 1938), Tà áo lụa (tiểu thuyết – 1942), Cái ngõ tối (truyện vừa – 1944), Cún số 5 (truyện thiếu nhi -1942, 1950, 1957, 1994), Vàng (truyện thiếu nhi – 1950), Không dời quê hương (phóng sự – I955).

               Thanh Châu là người viết thuộc thế hệ 1930 – 1945. Khởi đầu nghiệp văn của ông là những mẩu chuyện thời sự hàng ngày in trên báo, rồi sau đó cộng tác chặt chẽ với tờ Tiểu thuyết thứ bảy. Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Thanh Châu là truyện Bó hoa quả đẹp in trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1934. Đó là một câu chuyện tình yêu lãng mạn và trong sáng. Thanh Châu bắt đầu được dư luận chú ý với truyện ngắn Hoa Tygôn cũng là một truyện tình yêu. Câu chuyện giản dị, nhưng được viết một cách duyên dáng, ngọt ngào, pha chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy, câu chuyện đã chiếm được cảm tình của người đọc, làm xao xuyến trái tim bao người. Đề tài tình yêu chiếm một vị trí đáng kể trong các sáng tác của nhà văn Thanh Châu. Ở một vài truyện ngắn khác cũng như với truyện vừa Cái ngõ tối, tiểu thuyết Tà áo lụa (1942)… tác giả luôn bộc lộ một quan niệm về tình yêu trong sáng, thanh cao, nghiêng về phía thiêng liêng, lãng mạn hóa. Một quan niệm tình yêu say đắm, nồng nàn nhưng không vượt ra ngoài khuôn phép và đạo lý. Hiện thực cuộc sống và số phận của những “con người nhỏ bé” trong xã hội  cũng được thể hiện trong một số truyện của Thanh Châu : Mòn mỏi, Trên bãi, Đi nghỉ mát, Cửa sổ, Tìm vàng. Ở đây ông lại có cái nhìn của một nhà văn hiện thực phê phán. Nhà văn thông cảm sâu sắc với cảnh đời nghèo khổ của những lớp người khác nhau, phụ nữ và trẻ em. Thanh Châu còn viết truyện cho thiếu nhi. Truyện Cún số 5 của ông là một câu truyện đặc sắc, được tái bản rất nhiều lần. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện đồng thoại đó vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc của nó. Sau hòa bình lập lại, Thanh Châu có xuất bản hai tập phóng sự nói về công tác trao trả tù binh và chống cưỡng ép di cư mà ông tham gia.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Hành

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top