Tiểu sử nhà văn Trần Đăng
Nhà văn Trần Đăng, sinh ngày 11.11.1921, mất ngày 26.12.1949, tên thật là Trần Đăng Thi. Quê gốc: làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trần Đăng sinh trưởng trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám (1945), đang học năm thứ 2 ban Luật, ông vào làm việc trong Ban liên kiểm Việt – Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông công tác ở Văn phòng Bộ tổng tư lệnh, rồi chuyển sang công tác văn nghệ, làm phóng viên báo Vệ quốc quân (nay là báo Quản đội nhân dân). Trần Đăng hy sinh tại biên giới Đông Bắc năm 1949.
Tác phẩm của nhà văn Trần Đăng
Tác phẩm : Truyện và ký sự (truyện ký – 1954), Ý kiến nhỏ về văn nghệ trong giai đoạn chiến lược (tiểu luận -1949). Tùy bút Một lần tới thủ đô là sáng tác đầu tay của Trần Đăng. Thông qua hình ảnh bốn chiến sĩ từ chiến khu về Hà Nội, “đi hàng một – lối đi riêng”. “Mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe”, “Yên lặng và thản nhiên vô cùng” trước cảnh sống phồn hoa, náo nhiệt của Hà Nội, Trần Đăng đã thể hiện sự quả quyết chối từ, rũ bỏ cái cũ, quyết tâm hòa nhập vào đời sống cách mạng kháng chiến của dân tộc. Những sáng tác sau đó phản ánh rõ hơn quá trình thay đổi trong đời sống, trong suy nghĩ, tình cảm của ông. Trần Đăng bám sát các đơn vị chiến đấu, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn : Thu đông (1947), Đông Bắc (1948), Đường số 4 (1949)… và viết văn. Lấy chất liệu trực tiếp từ đời sống, những bút ký Lưœ mới, Trong rừng Yên Thế… đã ghi nhận sự chuyển biến trong nghệ thuật thể hiện của Trần Đăng. Nếu như những tùy bút ban đầu của ông còn vướng vít trong những cảm xúc, suy tư chủ quan thì đến giai đoạn này là những ký sự nhanh nhạy, có sức phản ánh chân thực, khách quan hiện thực đa dạng của cuộc sống. Với phương hướng đi sâu vào cuộc sống mới, lấy con người mới làm trung tâm của tác phẩm, Trần Đăng đã có được` những thành công mới. Trận Phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị là những đóng góp quý giá của ông vào văn xuôi buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Ở những ký sự này, nhà văn đã thể hiện sinh động, bức tranh: chân thực, tươi khỏe về cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ trước và trong trận đánh, gian khổ, vất vả, nhưng vui nhộn, trẻ trung. Trần Đăng cũng đã khai thác được những khía cạnh tình cảm sâu xa của người chiến sĩ : lòng căm thù giặc, tình yêu thương đồng đội, tình cảm quân dân gắn bó… Bên cạnh hình ảnh người chiến sĩ, ở một vài sáng tác (truyện ngắn Những ngày cuối năm), từ việc cố gắng mở rộng diện quan sát, Trần Đăng đã góp phần hé mở cảnh ngộ, tâm trạng của tầng lớp trung gian đi vào kháng chiến với không ít lo toan, băn khoăn, nhưng quyết tâm và tin tưởng. Là một cây bút sớm gắn bó với bộ đội, với quyết tâm và ý thức sống hết mình vì cách mạng, bằng tấm lòng yêu thương và sự quan sát tỉnh nhạy, khả năng dựng người, dựng cảnh sắc sảo, Trần Đăng đã có những đóng góp thực sự quý giá vào thành tựu của văn xuôi chống Pháp.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác