Tiểu sử nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm
Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm, sinh ngày 2.11.1924, mất ngày 16.1.1990, tên khai sinh là Cao Mạnh Tủng. Quê gốc : xã Hải Phú,huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tham gia quân đội từ 1947, 1951, ông là chính trị viên Đoàn văn công sư đoàn 308, 1956: Trợ lý văn nghệ Tổng cục chính trị, 1957: Trưởng đoàn kịch nói Tổng cục chính trị, 1970: Giám đốc nhà hát quân đội. Ông tham gia BCH Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa II, là Đại biểu quốc hội khóa V, có quân hàm đại tá, nghệ sĩ ưu tú. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật (đợt 1).
Tác phẩm của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm
Tác phẩm đã xuất bản : Nghị hụt (1956), Trước giờ chiến thắng (viết chung với Sỹ Hanh – 1960), Chị Nhàn (1961), Một mạng người (viết chung với Nguyễn Phiến – 1962), Nổi gió (1964), Đại đội trưởng của tôi (1974), Một người mẹ (1974), Tổ quốc (viết chung với Xuân Đức – 1976), Đêm và ngày (viết chung với Sỹ Hanh – 1979), Ông Hài ông Bi (1982), Tiếng hát tuyệt vời (1985).
Đào Hồng Cẩm là một trong số tác giả kịch đầy tâm huyết và gắn bó thủy chung với để tài quân đội. Có thể nói, cả một đời sáng tác của ông đã dồn sức cho đề tài quân đội. Những vở hay nhất, những vở để lại ấn tượng sâu đậm nhất của ông, là những vở viết về người lính. Hầu hết các vở kịch của ông đều không đi chệch ra ngoài đối tượng đó, tạo nên một nét riêng, một chân dung dễ nhận biết, khi nhắc tới nhà viết kịch quân đội Đào Hồng Cẩm.
Những năm 60, Đào Hồng Cẩm đã nổi tiếng với các vở : Trước giờ chiến thắng, Chị Nhàn, Nổi gió, trong đó Nổi gió đã được dựng thành phim và vẫn còn giữ được giá trị đến ngày hôm nay. Những năm 70, 80, mới thực sự là thời kỳ sung sức của Đào Hồng Cẩm, đưa ông lên vị trí của một trong những nhà viết kịch có tên tuổi. Các vở : Đại đội trưởng của tôi, Tổ quốc, Tiếng hát... từng gây xôn xao dư luận và trở thành sự kiện đáng chú ý trong đời sống sân khấu. Ở những vở này, nhân vật người lính dù xuất hiện trong mối quan hệ nào, cũng đều trở thành những biểu tượng đẹp, có tầm vóc và có sức sống nghệ thuật.
Với kinh nghiệm và kỹ năng viết kịch già dặn, ông đã tạo được những tình huống phức tạp, căng thẳng, đẩy xung đột kịch đến cao trào buộc phải giải quyết, song vẫn bảo đảm tính chân thực và hợp lý của câu chuyện. Kịch Đào Hồng Cẩm được dựng nhiều và nhìn chung đều khá thành công, trong đó vượt trội lên hơn cả là Đại đội trưởng của tôi và Tổ quốc.
Hơn 30 năm hoạt động sân khấu, Đào Hồng Cẩm đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật kịch Việt Nam hiện đại. Ông còn là người mở đầu cho loại kịch tư liệu sử thi trên sân khấu Việt Nam.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác