Giới thiệu Phạm Tải – Ngọc Hoa
Là truyện thơ Nôm khuyết danh, thể lục bát, gồm 934 câu, xuất hiện khoảng thế kỷ XVIII. Truyện miêu tả một mối tình chung thủy, sắt son giữa đôi tra: gái dù phải trải bao trắc trở hiểm nguy, vẫn tìm cách vượt qua được, để cuối cùng được sống bên nhau.
Truyện kể rằng, có một người con gái tên là Ngọc Hoa, con một nhà đại phú gia họ Trần. Nàng thông minh, xinh đẹp. Mới 13 tuổi đã nhiều gia đình quyển quý đến cầu hôn, nhưng nàng không ưng đám nào. Một hôm, có một học trò nghèo tên là Phạm Tải đến ăn xin nhà nàng. Thấy chàng có dung mạo khôi ngô, lại có đức, có tài, Ngọc Hoa đem lòng quyến luyến rồi kết duyên chồng vợ với chàng. Cuộc sống dang êm ấm bỗng có gã Biện Điền, vốn rất yêu Ngọc Hoa, nhưng không lấy được nàng bèn lập mưu vẽ dáng hình nàng dâng lên vua Trang Vương, một vị vua nổi tiếng hiếu sắc, để vua sai quân lính bắt nàng vào cung làm vợ. Thế là, Ngọc Hoa phải giã từ Phạm Tải vào cung. Trang Vương hết mực chiều chuộng nàng, dụ dỗ, ép nàng đủ trò, nhưng Ngọc Hoa vẫn kiên trung giữ tình son sắt với Phạm Tải. Sau khi mặc cả gạ gẫm để Phạm Tải nhường vợ cho mình không được, Trang Vương xoay sang kế khác : sai quân giết chết Phạm Tải, sau đó cho gọi Ngọc Hoa đến để mua chước, dỗ đành. Không còn cách nào khác, Ngọc Hoa tự rạch mặt mình cho xấu xí để Trang Vương không còn mê nàng nữa.
Nhưng Trang Vương vẫn khăng khăng muốn có nàng bên cạnh. Không biết làm thế nào, Ngọc Hoa bèn giả vờ ưng thuận, nhưng xin hoãn đến 3 năm sau khi mãn tang chồng sẽ làm lễ cưới. Trang Vương không ngờ, hết hạn tang chồng thì Ngọc Hoa tự từ, trước là để giữ trọn lòng chung thủy với Phạm Tải, sau là để xuống âm phủ, cùng với Phạm Tải tìm đến Diêm Vương kiện Trang Vương. Tội ác rành rành, Trang Vương bị đem ném vào vạc dầu, còn Phạm Tải và Ngọc Hoa được trở lại dương gian tái hợp, sống hạnh phúc bên nhau rồi Phạm Tải được thay Trang Vương làm vua.
Chủ đề của Phạm Tải – Ngọc Hoa không xa lạ với các truyện Nôm khuyết danh khác : ở hiền thì gặp lành; ác giả ác báo ; xung khắc giàu nghèo, hèn sang ; thiện ác. Cuối cùng cái thiện luôn giành phần thắng, cái ác sẽ bị trừng trị…
Cái khác ở truyện này là cách dàn thế trận. Nếu ở Tống Trân – Cúc Hoa (chẳng hạn) là thế xung khắc giữa cha mẹ, dòng tộc với con cái xung quanh ý thức bảo vệ “luật” môn đăng hộ đối trong hôn nhân, thì ở Phạm Tải – Ngọc Hoa lại là thế xung khắc giữa kẻ có quyền lực cao trong xã hội (vua, quan…) với những dục vọng xấu xa, những hành vi bạo ngược của chúng và những lẽ sống thường tình, như là quyền sống ở đời của con người. Ngọc Hoa là con một đại phú gia, đem lòng yêu một chàng hàn sĩ kiếm sống bằng nghề ăn mày rồi kết duyên với chàng. Chuyện tình của Ngọc Hoa ít mang tính sắp xếp như ở một số chuyện khác, mà là hành động có suy nghĩ của nàng. Nàng cảm nhận được vẻ đẹp bên trong của người ăn xin, mà hạt nhân tâm lý chính là tình thường người của nàng. Khi nghe lời bộc bạch của Phạm Tải:
Tôi là hàn sĩ nhỡ thời
Kêu người mở rộng lòng tôi ơn người
Ngọc Hoa “Tự nhiên chuyển động bời bời lòng hoa”. Tác giả chuyện cũng muốn cho người nghe thấu hiểu thêm cái tự nhiên, cái lôgíc của tình yêu mà xã hội luôn coi là không môn đăng hộ đối này khi để cho Ngọc Hoa triết lý:
Chồng khôn thì nổi cơ đồ
Nhược bằng chẳng dại vã phụ nặng mình
Ở đây sự lựa chọn hướng vào phẩm chất con người (khôn, dại) chứ không phải vì quyền thế, tiền bạc. Và đến lượt mình, nàng bộc bạch :
Ước ao loan phượng sánh bảy
Để ta nuôi lấy chàng rày kéo thương
Thật là dễ hiểu : tình thương một chàng trai “hàn sĩ”, “tuấn tú”, “nhỡ thời” là cái lý bên trong thường tình và chắc chắn của tình yêu giữa Ngọc Hoa và Phạm Tải. Đây chính là cội nguồn sâu xa của hành vi cự tuyệt quyết không chịu chung sống với Trang Vương để giữ trọn tình sắt son chung thủy của Ngọc Hoa với Phạm Tải.
Nhân vật trung tâm của truyện là Ngọc Hoa. Một Ngọc Hoa thông minh, dũng cảm, thương người, biết tự lựa chọn, bảo vệ tình yêu của mình ; một Ngọc Hoa chung thủy với người chồng nghèo, yếu đuối về chí khí theo tạng kẻ hàn nho, nhưng có tài, có đức ; một Ngọc Hoa mưu trí, quyết liệt, không chịu khuất phục trước uy vũ, phú quý, và một Ngọc Hoa vượt ra khỏi mọi ý thức hệ tư tưởng đương thời để vươn tới cái tất yếu :tự do, bình đẳng cho con người.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá trị hiện thực của truyện, trong đó, thông qua các tuyến đối lập về quyền lực, địa vị xã hội, nhân từ, tàn bạo, đạo lý, phi đạo lý… mà các nhân vật đại diện, một phe là Ngọc Hoa, một phe là Trang Vương, Biện Điển cùng bọn quan lại trong triều. Khi đã xuống âm phủ, thế đối lập ấy chuyển sang một phe là Ngọc Hoa, Diêm Vương và một phe là Trang Vương. Việc nhấn mạnh tính quyết liệt hơn hẳn các truyện Nôm cùng loại khác, cuộc đấu tranh giữa Ngọc Hoa và Trang Vương cũng chỉ cho biết cái cách sắp đặt tình tiết của tác giả. Thực ra, mô típ kết cấu này là phổ biến trong truyện Nôm khuyết danh. Việc phân tích ở đây không đem lại nhiều giá trị văn chương. Cái văn chương cần thẩm nhận ở đây chính là cái biện chứng trong cảm hứng thẩm mỹ của người viết truyện đã cộng hưởng hay hòa điệu một cách diệu kỳ vào ước vọng huyền ảo, xa xôi của quần chúng nghe truyện, đọc truyện. Chính cái biện chứng trong cảm hứng thẩm mỹ ấy của truyện được lồng vào trong âm hưởng cổ tích pha chút thần kỳ cùng lối kể chuyện mộc mạc, giản dị đã khiến cho ‘! Phạm Tải – Ngọc Hoa dễ được lan truyền trong dân chúng. Không ít người phụ nữ Việt Nam xưa đã thuộc lòng truyện hoặc từng khúc truyện.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ , tác giả khác