Tiểu sử tác giả Bùi Huy Bích
Bùi Huy Bích (1744 – 1818), tự Hy Chương và Âm Chương, bút hiệu Tồn Am, người thôn Bùi Đông, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam, nay thuộc Hà Nội. Ông sinh ngày 28 tháng Tám, năm Giáp Tý (1744), mất ngày 25 tháng Năm năm Mậu Dần (1818). Ông là dòng dõi của quan Thượng thư Bùi Xương Trạch, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478).
Năm 17 tuổi, Bùi Huy Bích theo học Tiến sĩ Nguyễn Bá Thủ (đỗ khoa thi Giáp Tuất [1754], làm quan đến Công bộ hữu thị lang, Đông các đại học sĩ) ; Đến năm 19 tuổi ông đỗ kỳ thi hương. Năm sau thi hội, bị trượt. Lại thụ nghiệp với Bảng nhãn Lê Quý Đôn và đến khoa thi năm Kỷ Sửu (1769), ông đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ. Lúc đầu, ông được bổ Hàn lâm viện đãi chế, rồi Đông các-hiệu thư. Đến 1777, ông được thăng Đốc đồng Nghệ An. Năm năm ở xứ Nghệ, ông thường cùng Hiệp trấn Côn Lĩnh hầu, ngầm thăm hỏi dân tình, khoan thứ thuế dịch, được dân tri ân nhiều. Năm 1781, ông về triều làm Nhập thị bồi tụng, và tháng chạp năm sau (1782), được thăng Nhập thị tham tụng. Đến 1786, quân Tây Sơn ra Bắc Hà, Bùi Huy Bích đi ở ẩn. Khi Chiêu Thống lên ngôi, phong ông làm Bình chương sự kiêm Nhập thị kinh diên, Nhập thị tham tụng, ông vẫn cố từ. Đến khi Chiêu Thống mượn Tôn Sĩ Nghị lấy lại Thăng Long, kêu gọi các cựu thần, ông cũng không ra. Quang Trung ra Bắc Hà lần thứ hai, vào thành Thăng Long điểm danh các bề tôi nhà Lê, Bùi Huy Bích thác bệnh rồi chạy ẩn ở An Lũ (Hải Dương) và Canh Nậu (Sơn Tây). Năm 1802, Gia Long lên ngôi, thăng thưởng cho các trung thần, ông thoái thác không được, cuối cùng vẫn phải diện kiến, gượng nhận ban thưởng và xin về làm một lão ông nơi thôn dã. Tổng trấn Bắc Thành lúc đó là Nguyễn Văn Thành nhiều lần về quê ông cầu kiến và hỏi kế sách, nhưng không có kết quả.
Tác phẩm tác giả Bùi Huy Bích
Bùi Huy Bích là một nho sĩ đỗ đạt cao, làm quan đến cực phẩm và đặc biệt là một người có khí tiết, khác với nhiều nhân vật cùng thời. Bùi Huy Bích còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ có tiếng giai đoạn cuối TK XVIII đầu XIX. Ông từng biên soạn hai bộ hợp tuyển có giá trị là Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển, viết sách Lữ trung tạp thuyết và một số bi ký, tựa, dẫn… Ông cũng là tác giả của gần một nghìn bài thơ hiện chép trong bộ Tồn Am thi thảo.
Tồn Am thi thảo., gồm hai tập, 7 quyển. Tập l, gồm 3 quyển : 1. Bích Câu tiền tập, 2. Nghệ An tập thượng, 3. Nghệ An tập hạ. Tập II, gồm 4 quyền : 1. Bích Câu hậu tập, 2. Thoát Hiên tập nhất, 3. Thoái Hiên tập nhị, 4. Thoái Hiên tập tam. Nhìn chúng, là một nhà nho, thơ Bùi Huy Bích thể hiện một nỗi niềm trung quân khá sâu nặng. Là một người đi nhiều, lịch lãm, thơ ông cũng có nhiều bài viết về thiên nhiên đất nước khá đặc sắc. Là một trí thức, thơ ông chất đầy những ưu lo về đời sống dân tình đói khổ, hoạn nạn, dịch bệnh… và ít nhiều bộc lộ sự bất lực trước hoàn cảnh xã hội nhiều biến động thời đó.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác