Giới thiệu tác phẩm truyện Phan Trần
Truyện thơ Nôm khuyết danh, thể lục bát, gồm 940 câu, với nhiều bản in khác nhau, nhưng bản in sớm nhất có lẽ là của nhà sách Hà Nội Thịnh Văn Đường (1902). Các nhà nghiên cứu hầu như đã khẳng định được rằng truyện Phan Trần được chuyển thể theo hình thức phóng tác từ một kịch bản truyền kỳ là Ngọc Trâm ký của tác giả Cao Liêm, thời Vạn Lịch, triều Minh Thần Tông (1573 – I620). Tương truyền Đoàn Thị Điểm là người đầu tiên dịch Ngọc Trâm ký từ tiếng Hán ra chữ Nôm. Nhưng theo Kiều Oánh Mậu thì Đỗ Cận (khoảng nửa sau thế kỷ XV), một Tiến sĩ triều Lê mới là người đầu tiên dịch Ngọc Trâm ký từ chữ Hán ra chữ Nôm. Chính Trần Văn Giáp đã dựa vào ý kiến này mà cho rằng người đầu tiên chuyển thể Ngọc Trâm ký ra chữ Nôm là Đỗ Cận, sau đó được Đoàn Thị Điểm sửa sang lại cho văn phong lưu chảy hơn. Như vậy, cho đến nay, câu chuyện người chuyển thể Ngọc Trâm ký từ tác phẩm chữ Hán của Cao Liêm ra Phan Trản thể lục bát, chữ Nôm là ai giới khảo cứu cũng chưa có ai đi đến cùng : là Đỗ Cận hay là Đoàn Thị Điểm ? –Phan Trần là một truyện tình thuần khiết. Mọi chi tiết trong truyện dường như chỉ để làm tăng thêm tính chất mãnh liệt, tất yếu, không gì ngăn cản, không gì tiêu diệt được tình yêu. Truyện kể rằng, vào thời Tống Tĩnh Khang bên Trung Quốc, có hai gia đình quan lại rất thân thiết với nhau. Một nhà họ Phan. một nhà họ Trần. Hai ông chồng có hai bà vợ mang thai cùng một kỳ. Để giữ tình thân thiết với lại lâu dài, hai nhà đã đính ước với nhau rằng, nếu bên này sinh con trai, bên kia sinh con gái thì hai bên sẽ gả con cho nhau và hai gia đình trở thành thông gia. Lễ đính ước được tổ chức đúng nghi thức: nhà họ Trần trao trâm ngọc, nhà họ Phan trao quạt ngà làm lễ vật đính hôn. Thật may mắn, đến kỳ sinh nở, bên nhà họ Trần sinh con gái, đặt tên là Trần Kiều Liên, nhà họ Phan sinh con trai, đặt tên là Phan Tất Chánh. Nhưng vì cả hai ông quan đều đã cao tuổi, bèn xin nghỉ hưu, trở về quê sinh sống. Thế là hai gia đình mỗi bên một phương, con cái hai nhà từ đó cũng xa nhau.
Ở quê nhà họ Trần có loạn lớn. Bố mẹ, con cái lạc mỗi người một nơi. Trần Kiều Liên được một người họ Trương đưa vào tu ở chùa Kim Lăng, lấy pháp danh là Diệu Thường. Ở quê, Phan Tất Chánh chăm chỉ học hành, “sớm nhuần kinh sử, tối mài văn chương” nuôi chí đỗ đạt làm quan. Chàng đã đỗ đầu kỳ thi Hương, nhưng đến kỳ thi Hội thì hỏng. Vì hổ thẹn với gia đình và họ hàng, Phan Tất Chánh không trở về quê mà lại tìm nơi trọ học “dùi mài kinh sử để chờ khoa sau”. Một hôm, Phan Tất Chánh đến thăm một người cô tu ở chùa Kim Lăng, tình cờ gặp Trần Kiều Liên. Chàng đem lòng yêu say đắm và nhờ một bà vãi làm mối lái. Bị Trần Kiều Liên từ chối, chàng vô cùng đau khổ đâm ra ốm tương tư. Nể lời sư cô, Trần Kiều Liên đến thăm chàng. Được trông thấy Kiều Liên, chàng khỏi ngay bệnh. Đến tối, chàng đến chùa cảm ơn Kiều Liên nhưng Kiều Liên từ chối không ra mở cửa “Thôi thôi tôi cũng lạy người. Mới thong thả hãy về ngơi kẻo mà…”. Chàng dọa nếu không cho vào phòng sẽ tự tử. Kiều kiên sợ xảy ra chuyện không hay nên phải ra mở cửa cho chàng vào. Sau một lúc chuyện trò qua lại, hai người nhận ra họ chính là hai đứa bé vốn đã được hai bên gia đình họ Phan và họ Trần cho đính hôn từ trước và đã có một mối tình đầu dịu ngọt. Cả Phan Tất Chánh và Trần Kiều Liên đều thấy phấn chấn trong lòng. Từ đó, họ thường xuyên đi lại, gặp gỡ nhau, nhưng bên ngoài vẫn không ai biết quan hệ giữa họ ra sao. Đến kỳ thí Hội, Phan Tất Chánh đỗ Thám hoa. Chàng đến thổ lộ . tình cảm giữa mình với Kiều Liên với người cô tu ở chùa Kim Lăng, sau đó thì kết hôn và Kiều Liên. Chàng và nàng đưa nhau về quê. Nhà họ Trần sau cơn loạn lạc trở về, lại được gặp mặt con gái. Nhà họ Phan đón người con trai đậu Thám hoa. Hai nhà sum họp, nghĩ lại chuyện xưa lại vui mừng khôn xiết. Phan Tất Chánh được triều đình bổ làm quan rồi được cầm quân đi dẹp giặc. Chiến thắng trở về, chàng sống hạnh phúc với Kiều Liên. e Vốn là mô típ chung của các truyện Nôm khuyết danh, nhưng Truyện Phan Trần xoay quanh chủ đề chính là tình yêu lứa đôi. Đằng sau nghi thức đính hôn đảm bảo cho tính “pháp lý” của cuộc hôn nhân là cả một mối tình tự phát hiện, tự cảm nhận, cũng có mai mối, nhưng hoàn toàn do sự vận động bên trong của mỗi tâm hồn. Ở đây không có bóng dáng của sự sắp đặt, mà chỉ có quá trình tự nhận ra nhau rồi đến với nhau, rất gần với tình yêu đời thường. Có thể nói, ở truyện Phan Trần, tình yêu nam nữ đã được giải phóng hoàn toàn khỏi những ràng buộc bởi các lực lượng bên ngoài như ở nhiều truyện tình cùng thời. Cuộc đính hôn khi họ còn trong bụng mẹ là một điều gì vô thức trong ý thức cả của Phan Tất Chánh và Trần Kiều Liên. Bước ngoặc ở đây là cuộc đến chờ ở cửa chùa của Phan Tất Chánh và hành động mở cửa chùa của Kiều Liên.
Truyện Phan Trần cũng đánh đấu một bước chuyển mới trong xây dựng tính cách nhân vật. Ở đây, người đọc cảm nhận rõ ràng về diễn biến tâm trạng bên trong của Kiều Liên trong quá trình đến với tình yêu. Chưa phức tạp nhưng là lôgic của tâm trạng và chính cái lôgíc bên trong ấy đã chi phối hành động của nàng mà không cậy nhờ vào một lực lượng bên ngoài nào như ở nhiều truyện Nôm khác.
Câu chuyện đã đi tu mà phá giới, con nhà khoa bảng mà vào chùa đi lại với một ni cô hình như không được đạo lý dân gian nhìn nhận như là một chuyện bình thường, mặc dù ai cũng biết giữa đôi trai gái yêu nhau và lấy nhau bây giờ đã được đính hôn từ thuở chưa lọt lòng mẹ. Chính vì thế mà trong thế gian có lưu truyền câu hát :
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều
Văn chương Truyện Phan Trần khá trau chuốt gần như thơ lục bát hiện đại, giản dị và trong sáng, lại rất ít từ ngữ khó hiểu và hầu như không có điển cố. Chính đây cũng là một lý do cắt nghĩa tại sao truyện rất phổ biến trong nhân dân.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác