Nghị luận xã hội về quan điểm: nghị luận Cống hiến hết mình hưởng thụ tối đa là bài văn mẫu cực kì hữu ích mà hôm nay Vanmau.com muốn giới thiệu đến các bạn lớp 12 tham khảo.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 2 bài văn mẫu nghị luận về vấn đề cống hiến và hưởng thụ được chúng tôi tuyển chọn từ các bài lam hay nhất của học sinh trên cả nước. Qua tài liệu này các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới. Chúc các bạn học tập tốt.
Dàn ý nghị luận cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa.
2. Thân bài
a. Giải thích nội dung quan điểm
– Giải thích các khái niệm: “Cống hiến”, “hưởng thụ”.
– Giải thích nội dung quan điểm: Bàn lối sống cống hiến, đóng góp trong mối quan hệ với sự tận hưởng và hưởng thụ.
b. Bàn luận về vấn đề nghị luận
– “Cống hiến hết mình”:
+ Là lối sống tích cực, giúp con người khẳng định giá trị tồn tại của bản thân.
+ Là biểu hiện của lẽ sống cao đẹp, sống vì người khác, đặt quyền lợi của người khác cao hơn lợi ích cá nhân.
– “Hưởng thụ tối đa”:
+ Mặt tích cực: Hưởng thụ thành quả của chính bản thân mình sau quá trình lao động, nỗ lực, rèn luyện.
+ Tuy nhiên, khi tuyệt đối hóa tâm lí hưởng thụ, con người sẽ dễ dàng sa vào lối sống ăn chơi sa đọa, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân.
c. Bài học nhận thức và hành động
– Cần rèn luyện lí tưởng sống cao đẹp, biết “cho đi”, biết cống hiến.
– Cân bằng trong việc “hưởng thụ hết mình” để không sa vào lối sống ăn chơi sa đọa và ích kỉ.
3. Kết bài
– Đánh giá lại nội dung ý nghĩa quan điểm. Liên hệ bản thân.
Nghị luận cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa – Mẫu 1
Trong bức tranh vô cùng phong phú, phức tạp của cuộc sống, mỗi con người lại xác lập cho bản thân những lí tưởng, mục đích sống khác nhau. Có người chỉ muốn sống an yên trong chiếc vỏ bọc của sự bình an, êm ấm; có người lại sẵn sàng hi sinh bản thân để đóng góp cho cuộc đời. Bàn về vấn đề này, có người nêu ra quan điểm: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”. Ý kiến trên đã khái quát nhận định về việc “cống hiến” và “hưởng thụ” trong cuộc sống của con người.
“Cống hiến” là một trong những biểu hiện của lối sống “Mình vì mọi người”, thể hiện qua việc con người biết cho đi, biết đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng của bản thân để phục vụ lợi ích chung. “Hết mình” là từ ngữ diễn tả sự tận tâm, tận lực vì một mục tiêu nào đó. Còn “hưởng thụ” là hành động thể hiện việc sử dụng, tận hưởng những gì mà bản thân đã đạt được. “Tối đa” miêu tả giới hạn ở mức cao nhất và không thể đạt ngưỡng cao hơn. Như vậy, câu nói “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” đã thể hiện quan điểm về lối sống cống hiến, đóng góp trong mối quan hệ với sự tận hưởng và hưởng thụ.
“Cống hiến hết mình” là lối sống tích cực đối với mọi thời đại. Khi đem tài năng, sức lực, trí tuệ của bản thân để nỗ lực vì quyền lợi và sự phát triển chung, con người sẽ phát huy hết những tiềm lực, giá trị của bản thân. Đồng thời, khẳng định ý nghĩa tồn tại và giá trị đích thực của mình. Trong thời đại kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược, có biết bao người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc. Họ đã cống hiến tuổi xuân, tuổi đời: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Trích “Tây Tiến” – Quang Dũng) và hy sinh xương máu thực hiện lí tưởng cao đẹp. Còn trong thời đại ngày nay, có biết bao con người lao động, làm việc trong thầm lặng vì sự phát triển của đất nước. Họ không ngừng nỗ lực, cố gắng để góp sức mình vào sự nghiệp chung. Đó là những con người quên đi lợi ích cá nhân, quên đi cái “tôi” riêng và chỉ nghĩ đến cái “ta” chung theo lẽ sống “Mình vì mọi người”.
“Hưởng thụ tối đa” là lối sống vừa mang ý nghĩa tích cực vừa mang ý nghĩa tiêu cực. Quan điểm này chỉ mang ý nghĩa tích cực nếu con người tận hưởng, thu về những thành quả đạt được trong khuôn khổ và gắn bó, tỉ lệ thuận, hài hòa với sự cống hiến. Bởi khi lao động, làm việc hết mình, chúng ta hoàn toàn có quyền tận hưởng những điều xứng đáng để giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn và hình thành động lực để tiếp tục nỗ lực cống hiến. Tuy nhiên, khi tuyệt đối hóa tâm lí hưởng thụ, con người sẽ dễ dàng sa vào lối sống ăn chơi sa đọa, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân và dần quên đi những lí tưởng cao đẹp của việc “cho đi”, của lối sống cống hiến.
Như vậy, con người cần biết xác lập cho mình những lí tưởng sống cao đẹp của việc “cho đi” để có thể “cống hiến hết mình” tâm – tài – sức vì sự phát triển chung của cộng đồng. Đồng thời, tận hưởng thành quả một cách cân đối, hài hòa và có chừng mực để duy trì những lẽ sống, hành động có ích và tránh xa sự cám dỗ của lối sống ăn chơi sa đọa.
Quan điểm “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” đã thể hiện những bài học sâu sắc về lối sống cống hiến, nhắc nhở con người cần biết cân bằng giữa việc “cho đi” và “nhận lại”. Là những thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng học tập thật tốt để đóng góp sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê, tài năng vào công cuộc xây dựng, gìn giữ và phát triển dân tộc.
Nghị luận cống hiến hết mình hưởng thụ tối đa – Mẫu 2
Lao động, cống hiến, phúc lợi, hưởng thụ là những vấn đề được đặt ra trong cuộc sống hàng ngày, mà bất cứ người nào, ở vị thế nào cũng phải quan tâm. Về cống hiến và tận hưởng đã có ý kiến cho rằng: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Cống hiến là đóng góp cái quý của mình vào sự nghiệp chung. Hết mình là làm hết sức mình, hết lòng, bằng tất cả khả năng của mình. Hưởng thụ là thu về, nhận về để hưởng. Tối đa tức là nhiều nhất, không thể nhiều hơn được nữa.
Vậy, có phải “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh là cách sống tốt đẹp không?
Cống hiến hết mình là phương châm sống rất tích cực, rất đẹp, già, trẻ, gái, trai, làm việc gì, vị thế nào, thời xưa hay thời nay. Đem hết khả năng mình, cả vật chất và tinh thần đóng góp vào sự nghiệp chung là vô cùng cao quý. Cống hiến hết mình mới góp công sức, tài năng góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Cả xã hội, ai cũng đồng sức đồng lòng mới có thể xây dựng được đất nước giàu mạnh, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Làm ruộng, cày bừa cấy hái thì không quản nắng mưa. Làm thợ thì gắng sức, gắng công mới làm ra nhiều sản phẩm phục vụ dân sinh. Các chiến sĩ Điện Biên ngày xưa “Dù bom đạn xương tan nát thịt / Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh” (thơ Tố Hữu) là đã cống hiến hết mình, mới viết nên chiến công “lừng lẫy địa cầu”.Biết cống hiến hết mình là đã làm trọn nghĩa vụ của đứa con trong gia đình, người công dân đối với Tổ quốc. Thời chiến cũng như thời bình, ai cũng phải cống hiến hết mình cho nhân dân và đất nước. Có vinh dự nào bằng hành động của tuổi trẻ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc? Sống có lý tưởng đẹp mới có hành động cao quý như thế!
Hưởng thụ tối đa có phải là phương châm sống tích cực của con người hiện đại không? Riêng tôi có nhiều phân vân! Của cải của mình do mồ hôi, tài trí của mình làm ra thì mình có quyền hưởng thụ tối đa. Nhà lầu, xe hơi cực sang, ăn của ngon, vật lạ, đi du lịch,… bằng tiền của mình (lao động chân chính) thì có quyền tận hưởng !
Cái lý thì như thế! Nhưng cái tình đời, tình người trong cách sống, cách “tận hưởng, hưởng thụ tối đa” như vậy có thỏa đáng hay không? Đất nước ta đến nay (2014) tuy đã nhiều đổi mới, nhưng đồng bào ta ở các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, hàng triệu bệnh nhân AIDS ở khắp đó đây. Trẻ em ở miền núi còn thiếu trường, thiếu bàn ghế, thiếu sách giáo khoa, thiếu áo quần. Trong lúc đó, có đại gia sống cực kỳ xa hoa: ăn một bát phở 1 triệu đồng, mặc áo lông vài tỷ, chán xỏ đôi giày ba, bốn trăm triệu đồng, ở nhà lầu như cung điện, đi xe hơi mấy chục tỷ, nằm trên giường 7 tỷ, vân vân. Cách sống xa hoa như thế, dù ở thời gian nào, nơi nào trên đất nước ta chưa hẳn đã hay đã đẹp.
Xin được nhắc lại đôi ba câu ca dao sau đây để chúng ta cùng suy ngẫm:
– Ăn thì ăn đĩa giò đầy,
Chơi thì chơi suốt cả ngày lẫn đêm!
– Cơm ăn nồi bảy nồi ba,
Rượu ba, bốn lít… lợn gà tiết canh!
Theo ý riêng tôi, cách sống: “Cống hiến hết mình” là cách sống tốt đẹp, tích cực. Tuổi trẻ chúng ta cần học tập tốt, tu dưỡng đạo đức tốt, để cống hiến hết mình cho đất nước. Sống phải cần kiệm nên không thể, không nên ăn chơi xả láng, không nên hưởng thụ tối đa! Cách sống ích kỷ, sống tham lam là cách sống vô văn hóa!