Kiểu bài: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Đề: Vẻ đẹp của bài thơ Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão).
Dàn ý
– Thuật hoài thuộc loại thơ trữ tình “ngôn chí” khá phổ biến trong thơ ca trung đại, bày tỏ những ý nghĩ, tình cảm lớn của tác giả. Vẻ đẹp của bài thơ được thể hiện ở sự hòa quyện giữa vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật trong đó.
– Nội dung:
+ Niềm tự hào của một vị tướng về đội quân dũng mãnh: hai câu đầu.
+ Nỗi thẹn làm nên nhân cách và khát vọng được cống biến suốt cuộc đời của vị tướng: hai câu sau.
– Nghệ thuật:
+ Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, từ ngữ cô đọng súc tích mà hình ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, sức truyền cảm lớn.
+ Thủ pháp nghệ thuật hoành tráng được dùng để diễn tả nỗi lòng của tác giả. .
+ Mật độ các hình thái kì vĩ dường như dày đặc trong hai câu đầu: con người kì vĩ, không gian kì vĩ, thời gian kì vĩ.
Bài làm
Viết văn, làm thơ là một cách để người nghệ sĩ giãi bày nỗi lòng của mình. Nhưng giãi bày làm sao để mỗi câu văn, lời thơ đó không trở thành – “nghị luận bắt thành vần”, đấy mới là cái tài của người nghệ sĩ. Phạm Ngũ Lão chỉ tỏ lòng bằng bốn câu thất ngôn Đường luật nhưng người đọc bao thế hệ vẫn cảm nhận thật rõ về đẹp trong từng con chữ của bài thơ.
Cũng như Ngôn hoài (Không Lộ Thiền sư), Cảm hoài (Đặng Dung), Thuật hoài (Tỏ lòng) thuộc loại thơ trữ tình “ngôn chí” khá phổ biến trong thơ ca trung đại, bày tỏ những ý nghị, tình cảm lớn của tác giả (thuật là kể, bày tỏ, hoài là nỗi lòng). Đây chính là mấu chốt của cái hay, cái đẹp trong bài thơ của vị tướng giỏi thời Trần. Bằng một số thủ pháp nghệ thuật độc đáo, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện nhân cách cao đẹp của người anh hùng thông qua nỗi lòng được giãi bày. Vẻ đẹp của bài thơ được kết đọng ở sự hoà quyện giữa vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật trong đó.
Đọc bài thơ, dẫu là lần đầu tiên, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận khá rõ nét về tâm sự của tác giả. Ở hai câu thơ đầu, tâm sự đó là niềm tự hào của một vị tướng về đội quân dũng mãnh:
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tạm quân tì hổ khí thôn ngưu.
(Cảm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.)
Và ở hai câu sau, tâm sự đó là nỗi thẹn làm nên nhân cách và khát vọng được cống hiến suốt cuộc đời của vị tướng:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tụ thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)
Niềm tự hào về đội quân của mình trước hết được Phạm Ngũ Lão thể hiện cụ thể qua việc khắc hoạ tư thế hoành sóc (cầm ngang ngọn giáo). Cầm ngang ngọn giáo khác hẳn với múa giáo, hơn hẳn tư thế múa giáo ở sự hiên ngang, lẫm liệt, vững chãi, ở tư thế chủ động, sẵn sàng trấn giữ, bảo vệ non sông. Cây trường giáo này không chỉ được đặt trong không gian rộng lớn (giang sơn) mà còn như đo suốt thời gian bất tận (kháp kỉ thu). Hành động kì vĩ đó chắc chắn phải thuộc về con người có tầm vóc lớn lao. Không xuất hiện trực tiếp nhưng hình tượng con người như át cả vũ trụ bao la. Vẻ đẹp của bài thơ trước hết ở chính sự lồng lộng của hình tượng ấy.
Xuất hiện trong câu thơ thứ hai không chỉ là ngọn giáo và ẩn sau hình tượng con người của thời đại nữa mà là hình ảnh của cả một đội quân với khí thế dũng mãnh sẵn sàng lăn xả vào bọn giặc dữ một khi chúng ồ ạt tràn tới. Thủ pháp nghệ thuật so sánh vừa cụ thể hoá sức mạnh vật của ba quân vừa hướng tới sự khái quát hoá sức mạnh tinh thần của quân mang “hào khí Đông A”. Câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan và cảm nhận chủ quan, giữa hiện thực và lãng mạn. Tam quân là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh của cả dân tộc. Nhận thức về sức của con người và sức mạnh của quân đội ở Phạm Ngũ Lão thể hiện niềm tự hào khôn xiết về sức mạnh của dân tộc trong thời đại. Và càng tự hào về sức mạnh đó bao nhiêu, Phạm Ngũ Lão càng khao khát được phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc bấy nhiêu.
Như bao trang nam tử thời phong kiến, Phạm Ngũ Lão cũng mang trong mình một “chí làm trai”. Ông muốn lập công, lập danh. Thực tế, khi bài thơ này được hoàn thành, Phạm Ngũ Lão đã trở thành vị tướng giỏi của nhà Trần, đã lập được rất nhiều công trạng cho triều đình. Thế nhưng, dường như ông chưa thỏa lòng với những gì mình đã làm được, vẫn thấy mình chưa công danh, vẫn thấy món nợ công danh của mình còn đó. Suy nghĩ này cho thấy khát vọng được cống hiến hết mình cho triều đại nhà Trần, cho dân tộc. Đây là khát vọng của con người có ý thức, trách nhiệm với non sông đất nước. Và càng khao khát bao nhiêu, con người ấy càng cảm thấy “thẹn” bây nhiêu khi tự so sánh mình với Vũ hầu (Gia Cát Lượng).
Chúng ta đều biết Gia Cát Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị, là người xuất chúng, siêu phàm về mưu lược, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí Phạm Ngũ Lão “thẹn” vì chưa có được tài năng lớn, chưa có được nhiều công lao lớn như Khổng Minh. Tự so mình với người đời trước để rồi tự hỗ, tự “thẹn”, tự thừa nhận mình còn kém cỏi – đó không phải là điều ai cũng được. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn làm ngời sáng lên nhân cách con người ông. Nỗi thẹn ấy đốt lên trong lòng người ngọn lửa của khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao.
Từ phương diện nội dung, có thể thấy bài thơ tứ tuyệt vẻn vẹn hai mươi tám chữ nhưng đã nói lên được hào khí Đông A với sức mạnh của quân đội thời Trần, thể hiện được cả chí và tâm, cả tài năng và nhân cách của Phạm Ngũ Lão. Chính tâm hồn, khí huyết của vị tướng võ đã truyền cho mỗi dòng thơ, mỗi con chữ khí phách hào hùng của cả một thời đại.
Cảm nhận vẻ đẹp toàn bích trong bài thơ Thuật hoài không thể bỏ qua những đặc sắc về nghệ thuật của nó. Phạm Ngũ Lão đã chọn thể thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, từ ngữ cô đọng súc tích mà hình ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, sức truyền cảm lớn. Thủ pháp nghệ thuật hoành tráng được dùng để diễn tả nỗi lòng của tác giả. Mật độ các hình thái kì vĩ dường như dày đặc trong hai câu đầu: con người kì vĩ, không gian kì vĩ, thời gian kì vĩ. Phạm Ngũ Lão viết Thuật hoài để giãi bày tâm sự, ý chí, khí phách của mình. Nhưng qua bài thơ, cảm nhận vẻ đẹp trong từng con chữ, chúng ta đã được tri âm với một nhân cách lớn, một nghệ sĩ tài năng.