Tả cánh đồng lúa chín vào buổi sáng
Tả cánh đồng lúa chín quê em – Cánh đồng lúa Việt Nam
Quê hương Việt Nam luôn nổi bật với hình ành những vùng quê bình yên với luỹ tre xanh, cánh đồng lúa bạt ngàn. Ba miền Bắc Trung Nam với hình ành cánh đồng lúa chín riêng biệt tuỳ theo địa hình tự nhiên. Đặc điểm chính của ngành nông nghiệp Việt Nam đó chính là trồng lúa nước.
Miền Tây Nam Bộ được biết đến là vùng kinh tế trọng điểm cung cấp lương thực thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Khung cảnh miền tây cũng chính là những cánh đồng lúa trải khắp. Bọn trẻ miền Tây chúng tôi, chẳng ai không có những kỉ niệm khó quên trên những cánh đồng gắn liền với tuổi thơ.
Sinh ra trong một gia đình làm nông, mùi rơm, mùi đất, mùi của đồng ruộng. Đó chính là những hương quê mà khó lòng làm một người xa xứ có thể quên được.
Câu thơ hay về lúa gạo
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Câu thơ mà khó ai không quen thuộc, để có một bữa cơm trắng dẻo thơm ngon. Người nông dân phải trải qua những ba tháng chăm sóc đồng ruộng và thu hoạch.
Hình ảnh cánh đồng lúa chín
Hình ảnh đẹp nhất của cánh đồng đó chính là khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Cả cánh đồng trải khắp một màu vàng ươm của những chùm bông nặng hạt trĩu xuống. Sáng sớm, khi thức dậy, mùi hương đặc trưng của lúa vào sương mang đến cảm giác bình yên đến lạ. Những hạt sương còn đọng lại trên gân lá màu xanh, xuyên qua ánh nắng sớm những chùm bông lúa vàng ươm lộ ra vươn mình đón nắng. Thời điểm sáng sớm cũng chính là lúc để người nông dân ra thăm đồng, xem độ ngậm sữa của bông lúa, tình hình sâu bệnh,…
Cuộc sống nhộn nhịp ở đất thành thị sẽ khó có thể cảm nhận được khung cảnh bình yên nơi vùng quê. Khung cảnh sáng sớm trên cánh đồng mang lại một cảm giác ấm áp của sương sớm thì ánh nắng chiều tà mang lại cảm giác bình yên sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ánh nắng vàng đậm của buổi bình minh hòa cùng những đàn chim én bay lượn trên cánh đồng. Dù có bao nhiêu mệt mỏi căng thẳng đến đâu, hòa mình vào khung cảnh lúc này cũng giúp cho tinh thần thoải mái thư giãn đến nhường nào.
Hình ảnh cánh đồng lúa đẹp trong bài văn tả đồng lúa
Cái thời đường xá chưa có, những buổi sáng sớm, người lớn đi chợ, buôn bán, tụi trẻ nhỏ đi học. Cứ băng băng trên bờ ruộng, quần áo ươn ướt sương. Dính đầy những hạt lúa, hạt cỏ, bướm bay xung quanh, chim én lượn khắp đồng. Bờ ruộng ẩm ướt, lại có cỏ, tụi nhỏ đi không khéo thì trượt ngã. Mỗi lần ngã, lại cứ trêu đùa nhau “bắt ếch to không đó mậy?” Cứ thế mà tới trường, tay chân, quần áo lại lắm lem bùn đất. Mùi của hương quê cứ thế mà bám vào từng trong những ký ức tuổi thơ.
Vào những ngày thu hoạch, mùi thơm của rơm rạ cũng trở thành nét riêng. Trời nắng dần, sương tan, những người nông dân với chiếc nón lá, áo dài tay, cùng nhau ra đồng thu hoạch mùa vụ mới. Những chiếc liềm với bàn tay thoăn thoắt gặt những om lúa chín vàng, chất thành từng khóm. Những lúc gặt lúa, bọn trẻ chúng tôi mong được ba mẹ hốt cho được cái tổ chim, mấy cái trứng tuy là bé bé nhưng ăn ngon cũng không kém gì. Sau này, công cụ máy móc dần thay thế những chiếc liềm tay, người nông dân cũng đỡ được phần nào.
Tả cánh đồng lúa chín lúc thu hoạch
Mỗi một đường máy gặt đi qua, người lớn, bọn trẻ canh nhau bắt chuột đồng, rắn, chim, cứ thế là có nhiều món để ăn cơm, món nhậu của đồng quê. Gặt lúa xong, cánh đồng đầy rạ, cũng là lúc bọn trẻ đua nhau làm diều chạy thả khắp đồng. Mùa thả diều chỉ vào khoảng tháng 2 đến tháng 6, vì độ này gió mới bắt đầu to thích hợp để thả diều.
Những con diều giấy đủ màu sắc, hình dáng từ giấy tập, giấy báo với cuộn dây nilon buộc quanh khúc gỗ hay chai nhựa, ấy thế mà bọn trẻ lại mê thích, cứ chiều tan học về thì mang ra thả, đua xem ai thả cao hơn. Cả bầu trời ngập trong ánh nắng vàng của buổi chiều với những cánh diều đầy màu sắc. Thời nay, những con diều được làm sẵn bằng nhiều chất liệu, hình dáng bắt mắt khác nhau cũng dần thay thế những con diều giấy đơn giản trước đây.
Hình ảnh thả diều ở cánh đồng lúa gợi nhớ tuổi thơ
Sau một mùa vụ thu hoạch, đồng lúa chỉ còn lại rơm rạ, người nông dân lại chuẩn bị, dọn dẹp đồng ruộng tiếp tục cho một mùa vụ mới. Cứ ba tháng trôi qua, cánh đồng lại bắt đầu ngào ngạt hương thơm của mùi lúa chín vàng. Cuộc sống bình dị của vùng quê trải qua như một vòng tròn, lặp lại theo chu kỳ, nhịp sống không quá bộn bề nhộn nhịp, sự chân chất của con người vùng quê hoà mình với không gian bình yên của đồng lúa, tất cả tạo nên hương quê làm khó phai trong lòng mỗi người con xa xứ.
Quê hương tôi có những cánh đồng lúa rộng phía sau nhà, suốt dọc đường về, những cánh đồng nối tiếp nhau, ngăn cách bởi những con đường đê. Những lần về quê, nhìn từ phía xa, những đàn cò trắng lội ruộng kiếm ăn, những con bù nhìn phấp phới mảnh vải đã rách, đầu đội cái nón lá đã hỏng, bình dị và bình yên đến nhường nào. Xa nhà, hương đồng lúa chín thơm, màu vàng ươm, đó chính là hương quê, hương đồng cỏ nội mà tôi khó lòng mà quên được.
Ngọc Diệu