Tiểu sử nhà thơ Bằng Việt
Nhà thơ Bằng Việt, sinh năm 1941, tại TP Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế. Quê gốc :làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945 được mẹ đưa về sống ở quê gốc tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Bằng Việt học đại học tại Liên Xô cũ, tốt nghiệp khoa pháp lý Trường đại học tổng hợp Kiép 1965. Về nước, ông công tác tại Viện luật học đến năm 1969 chuyển sang công tác ở Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1970, với tư cách là một phóng viên, ông được biệt phái vào quân đội, công tác tại Binh đoàn Trường Sơn đường 5-59. Năm 1975, trở về Hà Nội, Bằng Việt làm biên tập ở Nhà xuất:bản Tác phẩm mới. Năm 1983, ông làm Tổng thư ký Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội và tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam .
Hiện nay ông là Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa V. Ông làm thơ, dịch thơ là chủ yếu.
Tác phẩm nhà thơ Bằng Việt
Tác phẩm chính : Hương cây – Bếp lửa (Thơ in chung – 1968), Những gương mặt, những khoảng trời (1973), Đất sau mưa (thơ – 1977), Khoảng cách giữa lời (thơ – 1983), Cát sáng (thơ- 1986) Bếp lửa – Khoảng trời (thơ tuyển – I988), Phía nửa mặt trăng chìm (thơ – 1986), Môzart (truyện danh nhân – 1978), Lọ lem (dịch thơ Eptusenkô), Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu (dịch thơ Ritsos).
Bằng Việt là nhà thơ được bạn đọc biết đến từ phần thơ in chung với Lưu Quang Vũ trong tập Hương cây – Bếp lửa (1968). Nỗi nhớ quê hương đầu tiên thành thơ là dành cho bếp lửa : “Một
bếp lửa chờn vờn sương sớm, Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” gắn với hình ảnh người bà và bên người bà là người cháu. Bài thơ nói về tình bà cháu vừa sâu sắc, vừa thấm thía trong những năm đầu đất nước đói kém, loạn lạc, cuộc đời gian khổ khó khăn. Cảm xúc tinh tế, đượm buồn của ông về những ngày thơ ấu, khơi gợi cho người đọc những kỷ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Bài thơ biểu hiện một triết luận thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi con người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ họ trong suốt cuộc đời. Mạch triết luận thầm kín được khởi đầu từ Bếp lửa còn được tiếp nối trong nhiều bài thơ khác như Trở lại trái tim mình khi ông coi thủ đô Hà Nội như một cội nguồn tình cảm, cội nguồn sức mạnh. Cùng với Thư gửi người bạn xa đất nước, Tình yêu và báo động, Trở lại trái tim mình, nhà thơ ghi lại được những trạng thái phong phú của một tâm hồn thanh niên: rất mực mến yêu đất nước, con người; nêu bật được một thủ đô hào hoa, thanh lịch, trầm tĩnh và anh hùng. Bằng Việt’ còn có những bài thơ khá tài hoa diễn đạt những suy tư về những danh nhân văn hóa nhân loại như béttôven, Pauxtốpxki, Plixétxcaia. Người đọc còn biết đến ông về những lo toan chu đáo, những: bồi hồi thương nhớ của một người cha ở nơi xa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, trong bài: thơ Về Nghệ An thăm con với lời thơ điềm đạm, kiệm lời mà có sức vang xa. Có thể nói với 20 bài thơ trong tập Hương cây – Bếp lửa, Bằng Việt đã khắc họa được một giọng điệu tâm tình trầm lắng, một triết luận thầm kín của riêng mình. Ông là một trong số không nhiều nhà thơ trẻ được bạn đọc tin yêu ngay từ thuở ban đầu của thơ. Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi nghĩ suy, gây được một cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng. Đó là một dấu ấn riêng của thơ Bằng Việt, còn lưu lại trong ký ức người đọc.