nhà thơ Bảo Định Giang

Giới thiệu nhà thơ Bảo Định Giang

nhà thơ Bảo Định Giang

Tiểu sử nhà thơ Bảo Định Giang

Nhà thơ Bảo Định Giang sinh tháng 11.1919. Quê gốc : xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông có tên khai sinh là Nguyễn Thanh Danh, xuất thân trong một gia đình địa chủ phá sản. Thuở nhỏ ông đi học ở Mỹ Phong, huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho, học chữ Hán thầy Phan Văn Viên, cháu gọi Phan Đình Phùng bằng bác ruột và tốt nghiệp trung học thời Pháp thuộc. Từ năm 1939, Bảo Định Giang cùng với bác sĩ Dương Tấn Tươi sáng lập Hội khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền, nhận những công tác cách mạng yêu cầu.

Tác phẩm của nhà thơ Bảo Định Giang

      Như hồi ký ông kể lại, đầu kháng chiến chống Pháp (năm 1946) ông được cử làm Trưởng đoàn tuyên truyền lưu động Chiến khu 8, đi khắp các tỉnh miền Trung Nam Bộ biểu diễn văn nghệ, ra báo địa phương. Câu ca dao quen thuộc được nhân dân truyền tụng :

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ,”

là do ông viết từ cuối năm 1946, trong những ngày hoạt động giữa lòng dân.

      Năm 1947 đi tuyên truyền lưu động về, ông được cử làm Trưởng đoàn tuyên truyền  Khu 8 và sau đó kiêm chủ bút báo Tổ quốc – cơ quan của quân dân chiến khu 8. Ông đã cùng anh em làm thêm những số báo không định kỳ để đăng sáng tác, được hoan nghênh nhất là tập san Xuân hè Đồng Tháp. Cuối năm 1949, ông được điều động lên làm Trưởng ban tuyên truyền Bộ tư lệnh Nam Bộ, được cử làm Phân hội trưởng Đồng Tháp Mười thuộc Chi hội văn nghệ Nam Bộ, rồi làm Chi hội phó Chi hội này.

Đọc thêm  Giới thiệu tác giả Giáp Hải

       Vào thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được điều ra miền Bắc, công tác ở Ban tuyên huấn TƯ. Hòa bình lập lại, ông vẫn hoạt động trong ngành tuyên truyền, văn nghệ. Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (1957). Khi làm Trưởng phòng văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, ông viết nhiều bài giới thiệu thơ văn yêu nước Nam Bộ với các cuốn sách nghiên cứu như : Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX (1962), Mấy vấn đề văn nghệ yêu nước và cách mạng (1964).

        Bảo Định Giang đã kinh qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý văn nghệ :Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam, Vụ phó Vụ văn nghệ Ban tuyên huấn TƯ, Tổng biên tập báo Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam.

        Sau khi đất nước thống nhất, trở về miền Nam, ông công tác tại TP Hồ Chí Minh, lần lượt làm : Giám đốc NXB Văn nghệ giải phóng, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí

Minh, Tổng biên tập báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Hiện nay ông là Phó chủ tịch Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (khóa V).

        Những sáng tác ca dao, thơ, kịch nói của ông trong thời kỳ tham gia kháng chiến ở Nam Bộ là : Ca dao Đồng Tháp (1947) Ca dao gọi lính (1948), Những con số máu (thơ, 1949) tập thơ được giải thưởng do Sở thông tin Nam Bộ tổ chức, rồi nhận giải thưởng Văn nghệ Cửu Long giang (1949 – 1950) hạng khuyến khích. Ông sáng tác các vở kịch Hả dạ (1948), Đồng xanh máu đỏ (1948), Những bàn tay xây dựng (1949), Để quốc Mỹ sa lầy. Những sáng tác nói trên được viết một cách giản dị, dễ hiểu, nhanh chóng đi vào dân chúng với nội dung chủ yếu là tố cáo tội ác xâm lược của thực dân, kêu gọi thanh niên tòng quân, bồi đắp tình nghĩa quân dân, đồng bào đồng chí, ngợi ca lãnh tụ của dân tộc.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Nguyễn Kiều (1694 - 1771)

         Ca dao : Ca dao sau giải phóng (1987), Ca dao Bảo Định Giang (1990).

       Thơ : Đường giải phóng (1970); đêm huyền diệu (1985), Dòng sông cuộc đời (1986), Mây trắng bến Nhà Rồng (1989), Sen đồng (1990), Đảng, Lời nguyền (1991). Trong mỗi trái tim (1993) (tập thơ được nhận giải thưởng của Ủy bản toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam) thuyền chở đạo (1994). 

          Kịch bản phim : Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga (1990).

       Sưu tầm, nghiên cứu, phê bình :Từ trong máu lửa (1976) Ca dao dân ca Nam Bộ (1984), Nguyễn Thông, con người và tác phẩm (cùng với Ca Văn Thỉnh (1984), Bùi Hữu Nghĩa, con người và tác phẩm (1998), Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX (1990), Văn nghệ một thời để nhớ (1996) (cuốn sách sưu tập thư từ trao đổi của các anh chị em văn nghệ  sĩ đi B trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước với đồng bào, đồng chí, người thân ở miền Bắc – đã được nhận giải thưởng đặc biệt của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam).

      Đến nay, Bảo Định Giang đã ngoài 80 tuổi. Tính ra trong hơn nửa TK hoạt động cách mạng trên lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, văn nghệ với nhiều bút danh khác (ông còn ký các tên khác

như : Nguyễn Thạnh, Thụ Thủy, Văn Kỳ Thanh, Nguyễn Tịnh Hà), ông đã cho xuất bản trên 30 tác phẩm thuộc nhiều thể loại với tâm niệm : “Viết có trách nhiệm. Viết những điều có lợi cho dân, cho nước, viết cho nông dân, công nhân, quân đội càng nhiều càng tốt. Không khoa trương, không tự phụ, tuyệt đối không vì hai chữ danh lợi … không ai trách mình bất tài, chỉ trách :mình là ngòi;bút tiêu cực, xa nhân dân”. .

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi

       Cuộc đời và tác phẩm của ông luôn luôn gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp kháng chiến, dựng xây đất nước, với quê hương Nam Bộ yêu quý. Ông thuộc lớp các nhà văn, chiến sĩ mà chất người, chất văn của miền Cực Nam đất nước được biểu hiện khá nổi bật.Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhì và nhiều huân huy chương khác.

Scroll to Top