Tiểu sử tác giả Đặng Đình Tướng (1649 – 1735)
Đặng Đình Tướng hiệu Trúc Trai và Trúc Ông. Quê gốc : xã Lương Xá, huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ đệ – tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời Lê Huyền Tông. Năm 1683,ông được cử làm Phó sứ sang Thanh. Làm quan, ông trải các chức Tả thị lang bộ Lại, Tá lý công thần, Tiền hòa quân dinh, Thái phó, tham dự triều chính, được ban Quốc lão. Năm 1719 về trí sĩ, ông được ban tước quận công. Sau chúa Trịnh lại vời ông ra tái tham chính, làm Quản trung khuông quận dinh, Đại tư mã, Chưởng phủ sự. Năm 80 tuổi, ông lại về trí sĩ, thăng Đại tư đồ, tước Ứng quận công. Ông mất năm Ất Mão, niên hiệu Long Đức (1735), thọ 87 tuổi, được phong làm phúc thần. Sử ký tục biên viết về Quốc lão Đặng Đình Tướng : “Ông là bậc kỳ cựu trong triều đình chúa Trịnh, được chúa thân yêu tin cẩn giữ lễ, khác hẳn với các quan. Con cháu đều dự võ ban, lấy công chúa. Những người khác cũng phần nhiều làm quan to, một nhà vinh hiển, không có điển lễ nào sánh bằng”. Sự nghiệp của một nhà nho ít có ai hiển đạt được như Đặng Đình Tướng.
Tác phẩm của tác giả Đặng Đình Tướng
Thành tựu văn chương của Đặng Đình Tướng chủ yếu ở tập thơ đi sứ Trúc Ông phụng sứ tập, còn có tên là Trúc Trai tập. Tập thơ được sáng tác. Trong chuyến đi sứ sang Thanh năm 1683 của ông.
Cũng như nhiều tập thơ đi sứ khác, trong Trúc Ông phụng sứ tập có nhiều bài để vịnh những cảnh quan, danh thắng, nhân vật, sự tích… mà tác giả gặp trên đường đi sứ, những bài thù, ứng, tặng, tiễn mang tính ngoại giao. Nhiều bài thơ bày tỏ tâm sự của vị sứ thần mang trọng nhiệm bang giao. Tuy nhiên cảm xúc quán xuyến, nổi bật nhất trong tập thơ đi sứ của Đặng Đình Tướng là tâm sự của người xa nước, xa quê, luyến nhớ quân vương cùng cha mẹ. Ông nói về điều đó bằng những câu thơ sâu lắng: “Khứ khứ bát kham hồi thủ vọng, Ngũ vân thâm xứ thị thần kinh” (Trên đường đi mải miết quay đầu trông lại, nơi mây năm sắc, xa thẳm ấy là nơi đế đô – Lạng Sơn thành hiển phát). Hay nỗi da diết tưởng như không lúc nào nguôi: “Ngọc bệ thái giai trùng niệm niệm, Đồ gian nan vọng bái quân thân” (Chốn bệ ngọc – chỉ vua chúa – thềm hoa – chỉ cha mẹ – lòng luôn tưởng nhớ không nguôi, Dọc đường thường trông về phương Nam vái lạy vua và cha mẹ – Lập xuân tức sự). Thơ đi sứ của Đặng Đình Tướng chưa đạt tới độ diễm lệ, mới mẻ như thơ đi sứ của Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Kiểu sau đó, nhưng nó cũng góp thêm tiếng nói làm phong phú thêm cho bộ phận thơ đi sứ của các nhà nho thời trung đại.
Ngoài tập thơ đi sứ, người đời sau còn hay nhắc đến tác phẩm Thuật cổ quy huấn lục của ông. Năm 1727, với cương vị Quốc lão Chưởng phủ sự, ông dâng nhà Chúa cuốn sách trên, xin đem ban cho thế tử. Sách gồm có 8 thiên: 1 – Dưỡng đức tính (Bồi dưỡng đức tính), 2 – Thời triều thị (Coi chầu cho đúng thời), 3 – Thân chính nhân (Gần gũi người trung chính), 4- Sùng chính học (Tôn sùng học thuyết nho gia), 5 – Viễn nữ sắc (Xa nữ sắc), 6 – Trạch bộc tòng (Chọn người thần thuộc), 7 – Giới kiêu xu (Răn ngừa thói kiêu căng xa xỉ), 8 – Biện trung nịnh (Phân biệt người trung kẻ nịnh). Ở mỗi mục, tác giả lại viện dẫn một vài chương hoặc ba bốn điều trong kinh truyện và cổ thư để minh chứng, răn ngừa khuyến miễn. Sách được chúa Trịnh ngợi khen ban thưởng, rồi đem sách ấy ban cho thế tử.
Thuật cổ quy huấn lục không có giá trị nhiều về phương diện văn chương, nhưng nó phản ánh tư tưởng chính trị và đạo đức của Đặng Đình Tướng cùng niềm hy vọng “trí quân” của sĩ đại phu đương thời nói chung.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác