The Best Pocket Notebooks for 2020 | JetPens

Giới thiệu nhà thơ Đặng Trần Côn

The Best Pocket Notebooks for 2020 | JetPens

Tư liệu nhà thơ Đặng Trần Côn (? – ?, khoảng nửa đầu TK XVIII)

Đặng Trần Côn: nhà thơ. Quê gốc : làng Nhân Mục (tục gọi là làng Mọc),huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh và mất vào năm nào đến nay vẫn chưa rõ. Theo Hoàng Xuân Hãn (tác giả Chinh phụ ngâm bị khảo), ông sinh và mất trong nửa đầu TK XVIII. Thuở nhỏ, ông theo đòi nghiệp nho, học rất chăm và rất rộng. Theo sử gia Phan Huy Chú: Thời đó, các cuộc nổi dậy chống lại triều đình thường uy hiếp kinh thành nên chúa Trịnh hạ lệnh ban đêm cấm lửa rất ngặt, Đặng Trần Côn phải đào hầm xuống đất để đọc sách và làm bài. Hễ ông làm được bài văn, bài thơ nào thì nhiều người đua nhau sao chép và truyền tụng (Lịch triều hiến chương loại chí). Dự thi hương, ông đậu Hương cống và hỏng thị hội. Phạm Đình Hồ nhận xét: tính ông đuềnh đoàng phóng túng, không muốn bị ràng buộc về chuyện thi cử (Tang thương ngẫu lục). 3au đó, ông nhận chức Huấn đạo ở một trường phủ, ít lâu, ông đổi sang làm Tri huyện Thanh Oai nay thuộc tỉnh Hà Tây. Trước khi mất, ông về kinh thụ chức Ngự sử đài chiếu khán.

Tác phẩm của nhà thơ Đặng Trần Côn

Về sáng tác thơ văn, ngoài Chinh phụ ngâm khúc, ông còn viết Tiêu Tương bát cảnh (Tám cảnh đẹp ở Tiêu Tương), Trương Hàn tư thuần lô phú (Bài phú về Tương Hàn nhớ rau thuần cá vược), Trương Lương bố y phú (Bài phú về Trương Lương mặc áo vải), Khẩu môn thanh: (Tiếng gõ cửa). Những tác phẩm này mang tính tầm chương trích cú, ít có giá trị văn học. Theo Phạm Đình Hồ, ông còn là tác giả truyện Bích câu kỳ ngộ mà nhiều người cho đó là truyện được chép trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm ? Những dự đoán trên còn cần phải nhiều công tra cứu thêm.

  Chinh phụ ngâm khúc viết theo thể từ khúc bằng chữ Hán là một kiệt tác, đánh dấu thành tựu đột xuất của ông.

Về thời điểm ra đời, sử gia Phan Huy Chú đã nêu “Chinh phụ ngâm, một quyển, Hương cống Đặng Trần Côn soạn. Vì đầu đời Cảnh Hưng có việc binh đao, cảnh biệt ly của người đi chinh thú khiến ông cảm xúc mà làm” (Lịch triều hiến chương loại chí). Ở một đoạn khác, ông nhấn mạnh “bốn  phương đều có loạn to” !

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao

Trong thời thế dữ dội như vậy, Đặng Trần Côn đã lựa chọn đề tài này để bày tỏ thái độ của mình, quả là một đóng góp đặc sắc, đáng trân trọng.

Tác phẩm được viết theo lối tập cổ, trường đoản cú : câu ngắn ba, bốn chữ, câu dài đến 13, 14 chữ, ý và lời đều rút từ thư tịch cổ Trung Quốc, do đó tính tượng trưng ước lệ rất cao, nhưng vẫn xúc động được lòng người, bởi vì tác giả đã ‘*cảm được cái cảm của người xưa” (Hoài Thanh). Nói một cách khác, tác giả đã “cảm xúc” và truyền vào ngọn bút nỗi đau thời thế và nhân thế của bản thân mình. Chẳng thế mà sau khi ra đời, tác phẩm đã được nhiều danh sĩ trong nước đua nhau truyền tụng và phiên dịch ra quốc âm. Hơn thế nữa, khi Chinh phụ ngâm khúc vượt biên giới truyền sang Trung Quốc, lại được nhiều danh sĩ nước lân bang đón nhận và ca ngợi.

Nguyên tác và bản dịch hiện lưu hành trở thành tác phẩm sáng giá trong nền văn học cổ điển đầy hương sắc của văn học dân tộc. Nội dung tác phẩm thể hiện tinh thần nhân văn dồi dào và cao cả của người Việt Nam xưa nay.

Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh chàng tuổi trẻ quý tộc “Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt” (Phép công là trọng niềm tây sá gì !) oai phong lẫm liệt trên lưng con tuấn mã háo hức xung trận “Trịch ly bôi hề vũ long tuyền, Hoành chinh sóc hề chỉ hổ huyệt” (Múa gươm rượu tiễn chưa tàn, Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo). Chàng quyết lập chiến công để làm người tôi trung và để thỏa chí nam nhi hồ thỉ “Dục bả liên thành hiến minh thánh, Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiên, Trượng phu thiên lý chí mã cách…” (Thành liền mong tiến bệ rồng, Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời. Chí làm trai dặm nghìn da ngựa…). Chưa hết, trong mộng ước vàng son của người thiếu phụ cửa các buồng khuê, chàng sẽ mang thắng lợi trở về trong cảnh phu quý phụ vinh và tử ấm thê phong !

Kể từ buổi tiễn chàng ra trận, cái còn lại đối với chinh phụ chỉ là trời thương, biển nhớ và nỗi âu lo ngày càng trĩu nặng ! Trước hết nàng ái ngại cho chàng. Trong trí nàng luôn ám ảnh: chiến địa chỉ có gió bãi trăng ngàn, hễ bước chân đến đó sẽ không tránh khỏi người rầu, mặt rạn. Thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù gian xảo dường như luôn chực sẵn bên chàng, đe dọa tính mệnh của chàng ! Biết đâu chiến tranh còn dẫn đời chàng đến tấn thảm kịch lớn. Nàng đã hiểu và rất lo sợ về điều đó: Xưa nay ra trận mấy người về quê ? Và nếu đó là sự thật phũ phàng thì đời nàng sẽ ra sao ?

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Lý Văn Phức

Từ ái ngại cho chồng, người chinh phụ chuyển sang ái ngại cho mình. Khúc ngâm chuyển hẳn sang tiếng nói độc thoại nội tâm, tự thương mình vô cùng da diết. Có người cho đó là “mối sầu vạn cổ” (Đặng Thai Mai). Có người lưu ý tâm trạng nàng diễn biến trăm hình nghìn vẻ; chung quy chỉ có sầu với nhớ và hết nhớ lại sầu nhưng tâm cảnh thì mỗi lúc một khác. Từ thực tế sống đơn côi, lẻ bóng, buồn đến nao lòng, người thiếu phụ tìm về quá khứ êm đẹp với bao kỷ vật của những ngày sum họp: nào thoa cung Hán, gương lầu Tần, nào ngọc cài đầu, nhắn đeo tay… Nhưng quá khứ vẫn là quá khứ, đâu phải là liều thuốc hồi sinh ! Cực chẳng : đã, nàng đành sống bằng mộng ảo. Tiếc thay ! Giấc tàn mộng tỉnh, tất cả chỉ là cỗi hư vô. Tiếp đến, nàng trách chàng đã  mấy lần lỗi hẹn và chủ yêu là tự trách mình sớm vướng phải bả vinh hoa. Hơn ai hết, người thiếu phụ đang thì xuân sắc băn khoăn đến xao xuyến về sự tàn phá của thời gian. Nó sẽ cuốn đi tất cả tuổi xanh và hạnh phúc. Bao người nổi tiếng sắc đẹp nghiêng thành một thời như Phan Nhạc, Trác Văn Quân mà đầu bạc răng long thì ái ngại biết chừng nào ! Cứ cái tình cảnh biệt ly này tiếp diễn thì đó cũng là viễn cảnh của đời nàng. Nạn binh đao triền miên đã dồn thành khát vọng vẻ tình yêu và tuổi trẻ. Tâm trạng và cũng là ước vọng tha thiết cuối cùng là nàng mong sao cho chiến tranh chóng qua, chàng sớm trở về, lúc hãy còn đầu xanh tuổi trẻ. Nàng hứa sẽ “xin vì chàng” tất cả. Nguyện vọng duy nhất là vợ chồng nàng được chung hưởng hạnh phúc lứa đôi, trong cảnh thái bình muôn thuở. Hệ luận tất yếu mà độc giả nhiều thế hệ có thể rút ra là : Còn chiến tranh thì còn biệt ly, còn đau buồn và còn mất mát. Chiến tranh là nỗi bất hạnh lớn đối với nhân loại, nhất là đối với tuổi trẻ và tình yêu. Với ý nghĩa đó; có thể coi Chinh phụ ngâm khúc là khúc ca hòa bình, nhân đạo.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Ngô Thế Lân

Vấn đề cuối cùng đang làm phân rẽ ý kiến trong giới nghiên cứu văn học : Ai là dịch giả của bản dịch hiện được lưu hành rộng rãi ? Theo Hoàng Xuân Hãn, hiện có bảy bản dịch bằng quốc âm mà bốn bản đã có tên tác giả là. Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên Am Nguyễn. Bấy lâu nay, giới nghiên cứu đã đi tìm nguồn tư liệu đương thời như di phẩm về sử học, văn học của Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phạm Đình Hồ…như Đoàn thị thực lục (Gia phả họ Đoàn), Gia phả họ Phan Huy… nhưng chưa nêu lên được chứng cứ có giá trị thuyết phục. Mấy thập kỷ gần đây, giới nghiên cứu sử dụng phương pháp liên ngành văn học và ngôn ngữ học để xem xét Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích là dịch giả đích thực ? Những phán đoán của không ít người cho rằng: nữ sĩ họ Đoàn (1705- 1748) sống, sáng tác và dịch thuật vào nửa đầu TK XVIII, thời kỳ mở đầu của văn học cổ điển Việt Nam, chắc chắn phải chịu sự hạn chế của ngôn ngữ văn học Nôm chưa đạt đến trình độ chải chuốt, điêu luyện. Danh sĩ họ Phan (1750 – 1822), thuộc thế hệ nhà thơ cuối TK XVIII, đầu TK XIX, cùng thời với Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện, Phạm Thái… được thừa hưởng bấy nhiêu thành tựu nghệ thuật xuất sắc, hẳn là Phan Huy Ích đã có điều kiện phiên dịch tốt trứ tác của Đặng Trần Côn. Tất nhiên đây mới là dự đoán. Các nhà nghiên cứu văn học và nghiên cứu ngữ âm lịch sử còn phải phối hợp chặt chế, dành nhiều công phu mới hy vọng đạt được kết quả mong muốn.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top