New Year's Eve, 2010 - NotoriousROB

Giới thiệu nhà thơ Trọng Khiêm

New Year's Eve, 2010 - NotoriousROB

Giới thiệu nhà thơ Trọng Khiêm (?- ?, khoảng đầu TK XX)

Nhà thơ Trọng Khiêm,  là một tên tuổi trong làng văn vào những năm đầu của thế kỷ. Nếu như Hồ Biểu Chánh được coi là một tác giả tiểu thuyết viết bằng quốc ngữ đi tiên phong ở Nam Kỳ, thì Trọng  Khiêm được coi là tác giả của cuốn tiểu thuyết xuất hiện sớm nhất ở xứ Bắc Kỳ (cuốn Kim Anh lệ sự -xuất bản năm 1924).

Thiếu Sơn trong bài Nói chuyện tiểu thuyết (trong cuốn Phê bình và khảo luận, xuất bản tại Hà Nội, 1933) đã nhận xét : “Ông Hoàng Ngọc Phách đã “dùng tâm lý học mà viết sách Tố Tám. Ông Trọng Khiêm đã đem điều thực nghiệm mà viết Kim Anh: lệ sự. Giới nghiên cứu cho rằng Trọng Khiêm viết Kim Anh lệ sử chắc chắn có ảnh hưởng từ Tuyết Hồng lệ sử của Từ Trẩm Á (nhà văn Trung Quốc).

Tác phẩm của nhà thơ Trọng Khiêm

Kim Anh lệ sử là câu chuyện đầy nước mắt của một cô gái nhan sắc, có tên là Kim Anh. Qua cuộc đời chìm nổi của Kim Anh, tác giả có tham vọng phê phán các mặt trái của xã hội Việt Nam trong quá trình tư sản hóa. Người đọc bắt gặp trong cuốn tiểu thuyết hầu hết những nhân vật phản diện của xã hội thực dân phong kiến : cường hào, quan lại, tư sản, Tú Bà và Sở Khanh hiện đại, nghị gật, gái điếm, tướng cướp, sư hồ mang v.v… Tác giả còn đưa vào đội ngũ nhân vật của mình một “ông Tây An Nam” tên là Robert Trần Thình (không biết nói tiếng Việt, chê bố mẹ lạc hậu, chê phụ nữ Việt Nam không biết ái tình…). Một bức tranh xã hội thối nát, nhố nhăng, quay cuồng điên đảo vì đồng tiền và lối sống thực dụng. Lối kết cấu của Kim Anh lệ sử vẫn không thoát ra ngoài lối kết cấu tiểu thuyết chương hồi của tiểu thuyết cổ điển, tuy tác giả có ý khắc phục lối kết cấu đó và bước đầu thể nghiệm lối kết cấu tâm lý, đảo lộn thời gian và trình tự sự việc theo tiểu thuyết phương Tây. Chính cái kết quả không như ý đã buộc tác giả phải thừa nhận “Tôi viết bộ Kim Anh lệ xử này có ý thử viết tham bác hai lối văn xem, các ngài đọc sách sẽ nhận rà rằng tuy bể ngoài có mượn lối văn Âu Tây, song bể trong vẫn phẳng phất cái hồn luân lý của Việt Nam cố quốc ta vậy”. Trong bài Tựa Kim Anh lệ sử (in lại trong sách Khảo về tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1996), Trọng Khiêm nói rõ mục đích viết cuốn tiểu thuyết này như sau : “Trò đời lắm nỗi éo le, muốn biết rõ nhân tình thế thái, tất phải trải qua mấy cuộc bể dâu, tất đã lắm phen đau đớn về những sự mắt trông thấy, tai nghe tiếng. Kẻ thư sinh này, tuy học thức kiến văn chưa được bằng ai, song hơn 20 năm nay lưu lạc giang hồ, cũng có từng trải được đôi chút, nay xin đem viết ra sách là có ý hiến các ngài ở đầu thế kỷ XX này, một câu chuyện về đầu thế kỷ XX vậy”.

Đọc thêm  Giới thiệu nhà thơ Huyền Quang

Sách Văn học Việt Nam: giai đoạn giao thời 1900-1930 (NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988), đã đánh giá Trọng Khiêm như sau : “CẢ tiểu thuyết lịch sử, cả tiểu thuyết của Trọng Khiêm và Hồ Biểu Chánh đã không vượt lên được khỏi hạn chế của tiểu thuyết chương hồi, không sửa chữa được nhược điểm nặng về mô tả hành động, sự kiện, không được chiếu sáng bởi sự phân tích tâm lý nhân vật” (trang 332 – 333).

Tuy nhiên trên quan điểm lịch sử, ngày nay chúng ta cần ghi nhận công lao của những nhà văn đã mở đường  cho nền văn học mới, theo hướng hiện đại hóa, trong đó phải kể đến Trọng Khiêm.

Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác

Scroll to Top