Bố cục bài luận văn của một bài luận văn gồm nhiều phần và nhiều chương. Tùy theo nội dung nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu, chuyên ngành, bậc đào tạo mà có số chương khác nhau. Tuy nhiên, bố cục bài luận văn thông thường có 6 chương như sau.
Chương 1: GIỚI THIỆU
Trong Bố cục bài luận văn chương 1 có vai trò giới thiệu chủ đề nghiên cứu của luận văn để làm rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chủ đề. Nội dung bao gồm bối cảnh, đặt ra các giả thuyết và mục tiêu nghiên cứu sẽ đạt được. Riêng đối với bố cục luận văn thạc sĩ cần có thêm các mục như ý nghĩa của luận án và những điểm mới của luận án. Chương này thường gồm các phần sau:
1.1 Đặt vấn đề nghiên cứu: Nêu lý do hay sự cần thiết để thực hiện đề tài nghiên cứu.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
1.2.1 Mục tiêu chung: Mục tiêu cơ bản, cuối cùng, tổng quát của đề tài nghiên cứu.
1.2.2 Mục tiêu cụ thể: Phát triển mục tiêu chung thành các mục tiêu nhỏ hơn, ở mức độ chi tiết, nhằm nghiên cứu sâu hơn các khía cạnh của đề tài.
1.3 Phạm vi nghiên cứu
1.3.1 Không gian: Địa bàn, cơ quan nghiên cứu.
1.3.2 Thời gian: Thời gian thu thập số liệu, thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu.
1.3.3 Đối tượng nghiên cứu
….
Chương 2: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
Nội dung phải tổng quan được tài liệu liên quan đến chủ đề của luận văn để làm cơ sở cho việc thiết kế các nội dung nghiên cứu. Tài liệu phải cập nhật, viết có tính phân tích tổng hợp chứ không làm tóm tắt các kết quả nghiên cứu từ tài liệu lược khảo. Phải ghi đầy đủ họ và tên tác giả, năm, tên bài nghiên cứu, địa bàn nghiên cứu, số liệu, phương pháp phân tích và kết quả nghiên cứu.
Chương này chỉ áp dụng đối với bậc cao học và nghiên cứu sinh.
Chương 3: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong Bố cục bài luận văn, chương 3 được xem là chương quan trong quyết định chất lượng bài luận văn. Vì thế, các bạn sinh viên nên chú ý kĩ nội dung của chương này.
3.1 Cơ sở lý luận
Trình bày khung lý thuyết nghiên cứu (hệ thống hóa về lý luận các vấn đề có liên quan đến đề tài được chọn nghiên cứu để làm cơ sở cho phân tích thực tiễn).
Trình bày và thảo luận các khái niệm quan trọng nhất liên quan đến vấn đề nghiên cứu, các chỉ tiêu, công thức tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đo lường được sử dụng trong đề tài nghiên cứu (dựa vào các lý thuyết, nghiên cứu từ trước đến nay) giúp người đọc hiểu được nghiên cứu của tác giả.
3.2 Phương pháp nghiên cứu
3.2.1 Phương pháp thu thập số liệu
Trình bày chi tiết về số liệu được sử dụng trong nghiên cứu. Đối với đề tài sử dụng số liệu sơ cấp, người viết cần trình bày một cách chi tiết và lý giải về thiết kế mẫu (phương pháp chọn mẫu, cỡ mẫu, địa bàn) và phương pháp thu thập số liệu. Đối với đề tài sử dụng số liệu thứ cấp, thông tin chi tiết về nguồn số liệu sẵn có cần phải được trình bày.
3.2.2 Phương pháp phân tích số liệu
– Trình bày và thảo luận các lý thuyết, mô hình có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, các kết quả thực hiện về vấn đề nghiên cứu trong các nghiên cứu thực nghiệm trước, những vấn đề chưa được nghiên cứu hay những thiếu sót còn tồn tại trong các nghiên cứu trước để làm cơ sở cho các bổ sung, phát triển trong nghiên cứu này tại nội dung về xây dựng mô hình nghiên cứu ở bước tiếp theo.
– Xây dựng mô hình nghiên cứu cho luận văn (ví dụ mô hình sự thỏa mãn của nhân viên, mô hình lòng trung thành của khách hàng…). Phần này sẽ trình bày chi tiết các giả thuyết cần kiểm định trong mô hình nghiên cứu. Các biến số trong mô hình phải được định nghĩa rõ ràng (cách thức đo lường và đơn vị tính).
– Trình bày chi tiết về phương pháp phân tích. Người viết phải trình bày các phương pháp, công cụ được sử dụng nhằm giải quyết mục tiêu chính của đề tài đã được đưa ra ở chương 1.
Chương 4: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU (Cơ quan hoặc địa bàn nghiên cứu)
Để có được Bố cục bài luận văn chuẩn, tên chương này phải điều chỉnh cho phù hợp với từng nội dung đề tài (ví dụ: Thực trạng tín dụng ở ĐBSCL hoặc Giới thiệu khái quát về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)
* Đối với địa bàn nghiên cứu
4.1 Khái quát địa bàn nghiên cứu, tổ chức có liên quan đến nội dung nghiên cứu
4.2 Tổng quan về môi trường vĩ mô, sản xuất kinh doanh của ngành, các thể chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu.
4.3 Đánh giá thực trạng của đối tượng nghiên cứu
Chú ý, tên mục chỉ mang tính gợi ý, tùy theo đề tài mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.
* Nếu là cơ quan cụ thể
4.1 Lịch sử hình thành
4.2 Cơ cấu tổ chức
4.3 Ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng nhiệm vụ
4.4 Tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh
4.5 Thuận lợi, khó khăn, định hướng phát triển
Chương 5: KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Tên chương chỉ mang tính gợi ý, tùy theo nội dung nghiên cứu chương này có thể được điều chỉnh thành nhiều chương theo mục của đề tài.
Theo Bố cục bài luận văn, chương này mang tính chất trình bày chi tiết kết quả của nghiên cứu bằng cách sử dụng bảng số liệu, hình, mô tả, sử dụng phép thống kê đánh giá kết quả,… sao cho kết quả chính của nghiên cứu được nổi bật.
Chương này có thể viết thành hai dạng (i) trình bày kết quả và thảo luận chung hay (ii) tách trình bày kết quả và thảo luận riêng. Người viết chọn cách viết sao cho phù hợp với khả năng của mình cũng như đặc điểm điểm của kết quả nghiên cứu.
Nội dung thảo luận phải làm nổi bậc mối quan hệ của kết quả đạt được của nghiên cứu với giả thuyết đặt ra cho nghiên cứu. Thảo luận làm rõ những kết quả chính, ý nghĩa, các vấn đề có liên quan; dùng tài liệu tham khảo để biện minh kết quả nghiên cứu. Bài viết phải tạo được sự gắn kết của kết quả nghiên cứu với nội dung, nội dung với mục tiêu, và mục tiêu với tên đề tài.
Chương cuối: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Đây là phần cuối của Bố cục bài luận văn. Căn cứ vào kết quả chính của nghiên cứu để đưa ra các kết luận trong mối liên hệ với mục tiêu của nghiên cứu và đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo (nếu có). Lưu ý khi viết kết luận thì không giải thích và đề xuất phải gắn với chủ đề của luận văn.
Với bài viết Bố cục bài luận văn chuẩn này Văn mẫu hy vọng bạn sẽ có một kỳ tốt nghiệp thật thành công.