Tiểu sử nhà văn Ngô Chi Lan
(? -?, khoảng TK XV)
Nhà thơ Ngô Chi Lan. Quê gốc : làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Bà là vợ Phù Thúc Hoành, nhà thơ, người làng Phù Xá, cùng huyện. Ông là người có đức, có tài văn chương, nên tuy không đỗ đạt vẫn được mời dạy kinh Dịch ở Quốc tử giám, sau sang Viện hàn lâm. Có sách nói Phù Thúc Hoành từng làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. Ông hiện còn hai bài thơ chữ Hán chép trong Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương) và Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn).
Tác phẩm của nhà văn Ngô Chi Lan
Ngô Chi Lan sinh thời nổi tiếng thông minh, học giỏi, chữ đẹp, văn hay. Tương truyền, bà thường được vua Lê Thánh Tông triệu vào hầu thơ, cho dự nhiều cuộc xướng họa ở cung đình. Sau bà được phong chức Phù gia nữ học sĩ, giữ việc dạy đạo đức, lễ nghi, văn chương cho các cung nữ trong vương phủ. Theo Lê Quý Đôn, sách Trích điểm thí tập có chép thơ của Nguyễn Hạ Huệ, có chú thích rằng : “Nguyễn Hạ Huệ, tên tự là Quỳnh Hương, người xã Lựu Khê, huyện An Lạc, là vợ viên giáo thụ Phù Thúc Hoành. Quỳnh Hương thông hiểu âm luật, có Mới Trang tập lưu hành ở đời”. Nay trong tập ấy thấy có chép hai bài Thái liên khúc (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương). Sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ lại viết Ngô Chi Lan là vợ Phù Thúc Hoành. Truyện Cuộc: nói chuyện thơ ở Kim Hoa dựng nên một cuộc đàm đạo, bình thơ giữa vợ chồng bà và nhà thơ Thái Thuận, còn đọc là Sái Thuận (1441 – ?). Tác giả Bùi Văn Nguyên trong Tổng tập văn học Việt Nam: (tập 5, NXB KHXH, 1995) viết : Bà lúc nhỏ có tên là Him, cháu gọi Ngô Từ – thân phụ của Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) bằng bác. Bà được đặt tên chữ là Ngô Chi Lan. Sau được Ngô Thị Ngọc Dao giới thiệu để làm con nuôi Nguyễn Thị Lộ (vợ thiếp Nguyễn Trãi) nên đổi tên là Nguyễn Hạ Huệ. Hạ Huệ có tên tự là Quỳnh Hương, là tác giả tập thơ Mai Trang. “.
Tương truyền sinh thời Ngô Chi Lan làm nhiều thơ ca, từ khúc được truyền tụng. Nhiều sách nói bà là tác giả Mai Trang tập, rất tiếc nay tác phẩm thất truyền. Sách Trích điểm thí tập còn chép Thái liên khúc gồm 2 bài thơ chữ Hán, thể ngũ ngôn tứ tuyệt là bức tranh đẹp về cô gái hái sen. Các dị bản Lĩnh Nam chích quái đều chép việc Ngô Chi Lan nhân đi dạo núi Vệ Linh, đề thơ tứ tuyệt, ca ngợi cảnh đẹp Vệ Linh sơn và oai danh Đổng Thiên Vương (truyện Đổng Thiên Vương). Truyền kỳ mạn lục cũng chép bài Vệ Linh sơn và bốn bài thất ngôn bát cú nhan để Tứ thời khúc là thơ của Ngô Chi Lan. Chùm thơ là bức tranh phong cảnh bốn mùa và tâm trạng đầy yêu thương của tác giả trước thiên nhiên và cuộc sống. Qua lời nhận xét của Thái Thuận, nhà thơ thời Hồng Đức, Nguyễn Dữ đã đánh giá rất cao tài năng của bà : “Nam Châu nếu không có tôi, biết đâu phu nhân chẳng là tay tuyệt xướng, mà tôi nếu không có phu nhân, biết đâu chẳng là tay kiệt xuất một thời”.
Qua một bài vịnh sử và sáu bài thơ từ còn lại, dù số lượng thơ không nhiều, có thể xem Ngô Chi Lan là một trong những nhà thơ nữ đầu tiên có những đóng góp quý giá đối với sự phát triển của thơ ca trung đại Việt Nam.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác