Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, sinh ngày 14.1.1948. Bút danh khác : Hà Nam Ninh. Quê gốc : xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hiện sống Ở Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1976).
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khóa I, đã qua lớp đào tạo của Học viện viết văn Gorky. Ông đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường B. Hiện ông là Trưởng ban thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, ủy viên Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Ngoài thơ, Nguyễn Đức Mậu còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thơ thiếu nhi, lời bình phim.
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Tác phẩm gồm : Thơ người ra trận (thơ in chung – 1975), Cây xanh đất lửa (thơ – 1973), Áo trận (thơ – 1976), Mưa trong rừng cháy (thơ – 1976), Trường ca sư đoàn (thơ – 1980), Hoa đỏ nguồn sông (thơ – 1987), Từ hạ vào thu (thơ – 1992), Bão và sau bão (thơ – 1994), Cánh rừng nhiều đom đóm bay (thơ -1998), Con đường rừng không quên (truyện ngắn – 1984), Tướng và lính (tiểu thuyết – 1990), Chí Phèo mất tích (tiểu thuyết – 1993), Người đi tìm chân trời (truyện thơ thiếu nhi – 1982), Ở phía rừng Lào (truyện ngắn thiếu nhi – 1984).
Nguyễn Đức Mậu đã được tặng Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 – 1972 với chùm thơ : Ghi ở chiến trường, Đôi mắt, Đất, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội 1981, Giải thưởng văn học Bộ quốc phòng : tập thơ Hoa đỏ nguồn sông 1989, Giải thưởng văn học về để tài chiến tranh – Hội nhà văn : tập thơ Từ hạ vào thu 1995, Tặng thưởng Ban văn học quốc phòng an ninh Hội nhà vẫn 1996 : tập thơ Bão và sau bão
Nguyễn Đức Mậu thuộc lớp nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ. Với những sáng tác mang dấu ấn riêng về chiến tranh với những người lính và những kỷ niệm về quê hương suốt một thời đánh giặc, Nguyễn Đức Mậu đã xác định được vị trí của mình trên thi đàn, từ người lính làm thơ trở thành nhà thơ khoác áo lính. Là một trong những nhà thơ viết nhiều nhất về chiến tranh, thơ Nguyễn Đức Mậu là ký ức vẻ người lính, về đồng đội, về sự chờ đợi của người phụ nữ ở hậu phương trong những tháng năm trận mạc. Dù chiến tranh đã lui vào dĩ vãng nhưng trong thơ Nguyễn Đức Mậu mang nỗi đau của chiến tranh vẫn không nguôi ngoai, trái tim của nhà thơ vẫn không ngủ yên bởi những đồng đội đã không trở về : “Khuôn mặt bạn đen cháy, chỉ đôi mắt nhìn tôi không chịu khép, Như hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời”. Bên cạnh tấm lòng biết ơn đồng đội. Nguyễn Đức Mậu khắc họa hình ảnh chờ đợi, biểu tượng tấm lòng vàng đá của người phụ nữ Việt Nam trong Xa cách : “Người hóa đá trọn đời nhan sắc,.anh sẽ về cho đá lại là em”. Viết về chiến tranh, Nguyễn Đức Mậu đã có được những câu thơ như thực như hư, đầy ám ảnh. Thơ Nguyễn Đức Mậu chân chất, mộc mạc ở tình cảm mà tài hoa, thi sĩ ở cách biểu đạt.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác