Nhà văn Kim Lân – Thông tin tiểu sử nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân (1920 – 2008) tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ra và lớn lên tại Bắc Ninh. Ông là một trong những cây viết nổi bật nhất trong nền văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Điểm nổi bật trong những sáng tác của ông là chất dân dã và gần gũi với những người dân lao động, chất “quê” từ những mẫu chuyện mà ông đưa vào các tác phẩm của mình.
Lối viết của nhà văn nhẹ nhàng, giàu tính tự sự, miêu tả chân thực về cuộc sống khổ cực, lầm than của những người nông dân.Thế nhưng trong hoàn cảnh đó, những nhân vật của ông vẫn sáng ngời lên những phẩm chất đáng trân trọng và ngợi ca; tiêu biểu như ông Hai trong truyện ngắn “Làng” với lòng yêu nước, nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” với niềm khát khao về cuộc sống tốt đẹp và niềm tin vào ánh sáng của cách mạng.
Sự nghiệp sáng tác của Kim Lân khá khiêm tốn nhưng hầu hết các tác phẩm của ông đều để lại ấn tượng trong lòng công chúng. Điều này có lẽ xuất phát từ sự gần gũi của một nhà văn sinh ra từ đồng ruộng. Chính bởi sự am hiểu và gắn bó với làng quê nên những tác phẩm của ông phản ánh rất chân thực cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người dân quê.
Trước năm 1945, nhà văn tập trung vào những nếp sống sinh hoạt, những trò chơi dân gian tao nhã của người dân thông qua một loạt tác phẩm: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn…Những trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, thả diều, chơi cờ… đã được thể hiện vô cùng sinh động qua ngòi bút của nhà văn.
Sau năm 1945, đây có lẽ là giai đoạn thành công nhất của Kim Lân với những tác phẩm ghi được dấu ấn lớn. Vẫn trung thành với đề tài nông thôn, thế nhưng cách tiếp cận đi sâu vào tìm hiểu những ngóc ngách trong đời sống đã khiến cho những sáng tác giai đoạn này có giá trị rất lớn về nội dung và có tính giáo dục rất cao. Trong đó nổi bật nhất là truyện ngắn “Làng” năm 1948, “Vợ nhặt” in trong tập truyện “Con chó xấu xí” và tập truyện ngắn “Nên vợ nên chồng”.
“Làng”: Câu chuyện về lòng yêu nước của một lão nông ở tuổi xế chiều.
Truyện ngắn này được nhà văn Kim Lân sáng tác vào năm 1948, kể về một nhân vật có tên là ông Hai. Ông Hai là một người nông dân vô cùng chất phát và hiền lành lại có tinh thần yêu nước rất lớn. Tuy đã tuổi cao nhưng ông vẫn hăng hái được tham gia vào cách mạng; ông muốn được góp sức mình cùng với những người làng Chợ Dầu chống lại kẻ thù.
Từ ngày đi di tản ông vẫn đau đáu nhớ về cái làng của ông.Với ông đó không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn gắn bó với ông cả cuộc đời mà còn là một vùng quê rất đáng tự hào với truyền thống cách mạng. Ông đi đâu cũng kể, cũng khoe về cái làng giàu truyền thống của mình: “Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy.
Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh”. Khi ánh sáng cách mạng tới, làng ông cũng tham gia vào phong trào vô cùng sôi nổi. Ai cũng hăng hái được đóng góp vào sức mình vào cuộc chiến đấu: “Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ thời kỳ còn bóng tối…Nhất là những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì làm công trình không để đâu hết”.
Rất rất nhiều câu chuyện mà ông kể về làng Chợ Dầu yêu dấu của mình, mỗi lần kể mắt ông lại sáng rực, tâm trạng lại vui vẻ hẳn ra. Có lẽ tình yêu quá lớn khiến ông Hai lúc nào cũng nhớ đến cồn cào và lo lắng về vùng quê đó. Nhưng một ngày có một sự kiến chấn động về cái làng của ông đã khiến cho ông Hai vô cùng đau khổ. Người ta đồn cái làng của ông đi theo giặc.
Với một người yêu làng và yêu nước như ông Hải thì tin này đã khiến ông vô cùng đau khổ và giày vò. Ông khám dám tin và không thể tin vùng quê vốn yêu nước, yêu cụ Hồ như Chợ Dầu có thể làm ra cái việc phản bội Tổ Quốc như thế. Kể từ lúc nghe tin dữ đó, ông không còn dám đi ra khỏi nhà, ông thấy xấu hổ vì những lần khoe khoang về cái làng của mình.
Thế nhưng có lẽ nút thắt trong lòng ông được tháo gỡ khi việc làng ông đi theo giặc chỉ là tin đồn mà thôi. Làng ông vẫn kiên cường chiến đấu quân giặc, vẫn trung thành với cụ Hồ, vẫn yêu nước. Bây giờ, ông lại có thể nhẹ nhõm và tự tin khoe về làng Chợ Dầu của mình như trước đây.
Một chi tiết đắt giá nhất cho cả truyện ngắn này có lẽ là giây phút ông kể với hàng xóm về nhà của ông bị giặc đốt cháy rụi. Có lẽ tình yêu đất nước quá lớn khiến cho những người nông dân như ông Hai sẵn sàng hy sinh những lợi ích của bản thân. Ông thà để cho cái nhà bị Tây đốt nhẵn chứ không bao giợ chịu tiếng là Việt gian bán nước. Tấm lòng của những con người như ông Hai thật đáng để chúng ta trân trọng và ngợi ca.
“Vợ nhặt”: Khát vọng sống và mơ ước về hạnh phúc giản đơn của những người nông dân nghèo trong giai đoạn đen tối nhất của dân tộc.
Nạn đói năm 1945 có lẽ là giai đoạn khủng khiếp nhất trong lịch sử của nước ta, khi có hơn 2 triệu đồng bào bị chết đói. Thời kỳ đó trên khắp các làng quê Việt Nam nơi đâu cũng ngổn ngang ven đường những cái xác người chết đói. Còn những người may mắn sống sót thì cũng gầy còm, xanh xao như tàu lá chuối.
Trong không khí ảm đạm và tối tăm đó, đến cái ăn cũng không có thì sự việc anh Tràng dắt một cô gái đưa về làng khiến ai cũng hiếu kỳ. Người ta lo lắng cho anh khi lúc này đến thân anh cũng không biết có sống sót qua được nạn đói khủng khiếp này không nữa mà lại còn đèo bòng thêm một người vợ. Người có lẽ khổ tâm nhất là mẹ của Tràng. Đời bà đã quá khổ rồi, đến đời đứa con bà cũng lấy vợ trong lúc đói khổ nhất.
Bà vui khi con bà tìm được vợ để yên bà gia thất nhưng bà cũng xót xa cho tương lai của đôi vợ chồng trẻ. Bà chỉ hy vọng họ vượt qua được cái nạn đói này, rồi tương lai như thế nào sẽ lo liệu sau. “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” câu nói của bà như là lời an ủi động viên nhưng nghe sao mà chua xót. Cái hạnh phúc hết sức giản đơn về một mái ấm gia đình sao trong lúc này đây lại trở nên mong manh và buồn tủi quá.
Bằng ngòi bút của mình, nhà văn Kim Lân đã miêu tả tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp. Câu chuyện về nhân vật Tràng “nhặt được vợ” có lẽ là một câu chuyện đặc biệt và hy hữu trong thời kỳ đó.Tuy nhiên, ở đây nhà văn muốn nhấn mạnh khát khao về mái ấm gia đình bình dị, về tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong lúc khốn khó của người nông dân.
Và đặc biệt là niềm tin vào cách mạng, chắc chắn cách mạng sẽ thành công và nhân dân ta sẽ không còn đói khổ như lúc này nữa. Một câu chuyện thực sự cảm động và ý nghĩa khép lại bằng một hình ảnh về lá cờ đỏ bay phấp phới.
Ngoài những dấu ấn trong sư nghiệp văn chương với một loạt truyện ngắn thành công thì Kim Lân còn để lại ấn tượng trong lòng công chúng bằng những vai diễn để đời trong các bộ phim điện ảnh: Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong phim Chị Dậu, Bủ vả trong phim Vợ chồng A Phủ… Tài năng của ông đã được khẳng đinh qua nét diễn vô cùng chân thật và gần gũi.