nhà thơ Bích Khê

Giới thiệu nhà thơ Bích Khê

nhà thơ Bích Khê

Tiểu sử nhà thơ Bích Khê

Nhà thơ Bích Khê, sinh ngày 24.3.1916, mất ngày 17.1.1946, tên thật là Lê Quang Lương. Quê gốc : Xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhập tịch và cư trú tại quận Lỵ Thu Xà cùng tỉnh. Ông lớn lên trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Bích Khê học tiểu học tại quê nhà và ở Đồng Hới (Quảng Bình), học trung học ở Huế, sau đó ra Hà Nội học ban tú tài, nhưng bỏ dở giữa chừng. Năm 1934, ông cùng chị ruột là Ngọc Sương vào Phan Thiết mở trường dạy học tư. Năm 1936, trường tan vỡ, Bích Khê trở lại quê nhà. Năm 1938, cùng chị vào Phan Thiết mở trường dạy học lần thứ hai. Được vài năm, trường này lại bị thực dân Pháp đóng cửa. Năm 1941, Bích Khê ra Huế dạy học. Năm 1942, bệnh phổi của ông bị từ năm 1937 tái phát và ngày càng nặng. Ông trở về Thu Xà sống những năm tháng cuối cùng, vẫn không ngừng sáng tác thơ văn. Bích Khê mất sau khi được chứng kiến sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại.  

Tác phẩm nhà thơ Bích Khê

       Tác phẩm chính: Lúc còn sống, Bích Khê chỉ mới xuất bản một tập thơ lấy tên Tinh huyết (1939). Ông để lại bốn tập thơ chưa xuất bản là Tinh hoa, Đẹp, Ngũ Hành Sơn, Mấy vần thơ cũ và tập tự truyện mang tên Lột truồng. Thơ Bích Khê được in trên nhiều báo chí đương thời.     

Đọc thêm  Giới thiệu nhà văn Ngô Thì Du

        Bích Khê là một đại biểu của “trường thơ loạn” mà phong cách có khá nhiều điểm gần gũi với Hàn Mặc Tử thời kỳ từ Thơ điên về sau. Từ thơ Đường luật theo lối cũ (khoảng 100 bài tập hợp thành tập Mấy vần thơ cũ), Bích Khê đã dẫn thơ đi khá nhanh sang địa hạt tượng trưng, huyền diệu và phần nào nhuốm màu trụy lạc. Thế giới thơ Bích Khê được tạo nên bằng con mắt giàu mộng mơ, bằng các ảo giác, nên thường đậm màu sắc chiêm bao, vừa thực vừa hư. Đặc biệt, mọi vật qua cảm nhận của Bích Khê, đều có sắc màu, đều mang hương vị và thi sĩ diễn tả tài tình sự biến đổi, chuyển hóa của các yếu tố này.

        Nhìn chung, thơ Bích Khê vào loại khó hiểu. Nhiều bài, nhiều đoạn thơ của ông đượm chất nhục cảm. Song bên cạnh đó, ông cũng có không ít bài, câu thơ giàu chất nhạc, chất họa mà trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh đánh giá : “Hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”.

 

Scroll to Top