Tiểu sử nhà thơ Lê Đạt
Nhà thơ Lê Đạt sinh ngày 10.09.1929, có tên thật là Đà Công Đạt, sinh tại Yên Bái (bến Âu Lâu, sông Hồng). Quê gốc: xã Á Lữ, tỉnh Bắc Giang. 1946 – 1954, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Hiện sống ở Hà Nội.
Tác phẩm của nhà thơ Lê Đạt
Tác phẩm đã xuất bản : Thế giới này là của chúng ta (thơ – 1950 – 1955), Nhận ruộng (thơ – 1954), Bài thơ trên ghế đá (tập thơ – 1958), Bác (trường ca – 1990), Bóng chữ (tập thơ – 1994), Hèn đại nhân (truyện ngắn – 1994).
Lê Đạt được coi là một hiện tượng. trong làng thợ Việt Nam. Ông là một trong những người khởi xướng phong trào cách tân thơ và coi việc cách tân là một thái độ sống, một thái độ viết của nhà thơ. Đã nói đến cách tân là phải chấp nhận sự rủi ro, do đó con đường thơ của Lê Đạt không tránh khỏi những khúc gấp quanh co, gập ghềnh.
Sau một vài tập thơ được in vào những năm 50, thơ Lê Đạt vắng bóng trên thi đàn và phải đến gần bốn mươi năm sau ông mới có điều kiện xuất hiện trên văn đàn. Lê Đạt rút vào im lặng, ngẫm ngợi, suy tư, nhưng vẫn không ngừng theo đuổi nghiệp chữ của mình. Ông cố gắng đổi mới cách biểu hiện, cách dùng chữ, cách kết cấu âm thanh, từ ngữ, mong tạo ra một cách nhìn mới về thơ
Tập thơ Bóng chữ có thể coi là sự đúc kết một giai đoạn kiếm tìm, thể nghiệm của nhà thơ. Tự nhận mình là “phu chữ”ông đã trăn trở, tìm tòi, vật lộn với từng câu chữ, để tìm ra cái mới, cái lạ trong thơ. Lê Đạt thích dùng chữ đảo, chữ đa nghĩa, đa thanh, đa âm. Nhiều bài mang tính triết lý và ẩn dụ sâu sắc (Ông phó cả ngựa, Ông cụ Nguồn, Ông cụ chăn đê).
Thơ Lê Đạt là sự kết hợp kinh nghiệm của thơ cổ điển Việt – Hán, thơ dân gian và thơ lãng mạn, thơ hiện đại Pháp. Có lẽ do quan niệm thơ không chỉ để hiểu mà còn để cảm, nên muốn tiếp cận thơ Lê Đạt không thể chỉ bằng cách phân tích thông thường, bằng con đường trực giác, mà bản thân người đọc cũng phải có sự rung động và đồng cảm với tác giả. Bài thơ Cha tôi được viết một cách tự nhiên, dung dị và chân thật, có lẽ là bài thơ vào loại hay nhất của Lê Đạt. Ngoài ra, có thể tìm thấy một số câu hay, một số câu xuất thần và một số bài hay trong những dòng chữ tưởng chừng như vô nghĩa của ông (Cỏ lú, Gốc khế, Hà Nội B52, Anh ở lại…).
Lê Đạt đã mang đến cho thơ hiện đại Việt Nam một hướng đi riêng, tuy chưa được tán thưởng rộng rãi. Thơ ông có những bài, những câu còn quá cầu kỳ đến mức trở nên khó hiểu, lập dị. Nhưng với cả một đời lao động nghệ thuật, những thể nghiệm thơ của Lê Đạt là đáng được trân trọng.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác