Tiểu sử nhà văn Mạc Phi
Nhà văn tên thật là Lưu Huy Hòa, sinh ngày 18.8.1928 tại huyện Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc). Quê gốc: xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Hà Nội. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ 1946. Lúc đầu làm công nhân, sau đó là biên tập viên báo Lao động. Cuối 1947, làm Thư ký công đoàn tỉnh Tuyên Quang. Năm 1948 làm tuyên huấn Ty công an Bắc Ninh. 1950 về công tác tại Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1951 đến 1956, công tác trong quân đội, từng là chính trị viên đoàn kịch Chiến thắng, cán bộ Phòng văn nghệ quân đội, biên tập viên báo Chiến sĩ Tây Bắc ; cán bộ tuyên huấn tỉnh đội Lai Châu và Phòng dân quân Quân khu Tây Bắc. Năm 1962, ông chuyển ngành làm Hiệu trưởng Trường văn hóa – nghệ thuật Tây Bắc rồi cán bộ nghiên cứu Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 1972, Mạc Phi trở lại Tây Bắc lần thứ hai, là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Lai Châu và sáng tác văn học. Năm 1978, ông nghỉ hưu, về sống và tiếp tục sáng tác ở Hà Nội cho tới khi mất, ngày 19.5.1996.
Tác phẩm của nhà văn Mạc Phi
Tác phẩm : Tiễn dặn người yêu (dịch, giới thiệu thơ dân tộc Thái – 1961), Tiếng hát làm dâu (dịch, giới thiệu truyện thơ dân tộc H mông – 1963), Chàng Lú và nàng Ủa (dịch, giới thiệu truyện cổ tích dân tộc – 1964), Chuyện bản Mường (truyện ngắn, in chung – 1968), Rừng động (tiểu thuyết, tập I -1975, tập II -1977), Đáp ca Thái (dịch, giới thiệu – 1979), Sống (tiểu thuyết -1991), Anh với giấc mơ (tiểu thuyết),Cổ xe định mệnh (truyện ngắn), Kết tốt trình làng (truyện ngắn), Lời chào buổi sáng (truyện ngắn), Bốn đêm (truyện ngắn).
Trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại, Mạc Phi là cây bút gắn bó bền bỉ và sâu sắc nhất với Tây Bắc và cũng gặt hái được nhiều thành quả nhất về Tây Bắc. Giai đoạn đầu, Mạc Phi đã lần lượt cho xuất bản 8 tác phẩm sáng tác, khảo cứu, dịch thuật về văn hóa và văn nghệ Tây Bắc, trong đó có hai công trình nổi tiếng : Xống chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu), truyện thơ dân tộc Thái và
Tiếng hát làm dâu, tập thơ dân tộc H’mông (cùng với Bùi Lạc). Hai bản dịch hoàn hảo này đã gây xúc động lớn và ghi nhận một đóng góp có ý nghĩa của ông trong việc sưu tầm, dịch, giới thiệu di sản văn hóa của các dân tộc anh em. Với nhiệt tâm xây dựng quê hương thứ hai của mình, Mạc Phi đã nắm bắt kịp thời những vấn đề cơ bản của hiện thực cuộc sống Tây Bắc. Những sáng tác của Mạc Phi ở giai đoạn sau : Sống, Anh với giấc mơ, Cổ xe định mệnh, Kết tốt trình làng… tập trung vào những chuyển động mới của cuộc sống các dân tộc miền núi Tây Bắc từ sau hòa bình (1954), đào sâu vào thế giới nhân vật của Tây Bắc và những người cách mạng miền xuôi lên sống, gắn bó với miền núi. Bút pháp già dặn, văn phong lịch lãm, sâu sắc và cái nhìn vừa chân thực vừa nhân ái đã đem lại cho sáng tác của Mạc Phi những thành công đáng quý, góp phần làm phong phú bức tranh hiện thực cuộc sống miền núi vốn vẫn còn sơ sài trong văn học Việt Nam hiện đại.
Nói đến sáng tác của Mạc Phi và văn học viết về đề tài miền núi, không thể không nói tới tiểu.thuyết hai tập Rừng động – một thành công nghệ thuật xuất sắc kết tỉnh rực rỡ tài năng và tâm huyết của nhà văn. Rừng động là bộ tiểu thuyết sử thi lớn, một bức tranh hoành tráng về cuộc sống của các dân tộc Tây Bắc trước, trong và sau cách mạng, đặc biệt đi sâu phân tích những chuyển biến cách mạng sâu sắc của xã hội dân tộc Thái Tây Bắc trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thành công của tiểu thuyết trước hết là xây dựng được những nhân vật đặc biệt thuộc dân tộc Thái – có cá tính,có cuộc đời và số phận riêng, đặt trong những hoàn cảnh xã hội tiêu biểu : những cơn lốc của cách mạng, các nhân vật do vậy có sự phát triển tính cách hợp lý. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật, khắc họa tính cách dân tộc độc đáo, nghệ thuật phân tích tâm lý sắc sảo, tinh tế và sự thuộc hiểu và vận dụng hợp lý ngôn ngữ nhân vật cùng với những ưu thế nổi trội của tác giả trong việc sử dụng những kiến thức phong phú về văn học, sử học, dân tộc học, xã hội học và khả năng quan sát, dựng cảnh tài tình (đặc biệt dựng những bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hài hòa trong những đường nét kỳ vĩ rực rỡ), tác giả Rừng động đã dựng được bức tranh xã hội Thái Tây Bắc vô cùng đa dạng trong những chuyển biến lớn lao của lịch sử dân tộc.
Với Rừng động và những sáng tác khác của ông về để tài miền núi, Mạc Phi quả là cây bút có những đóng góp tâm huyết đáng quý hơn cả trong số những cây bút văn xuôi hiện đại viết về miền núi.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác