Tiểu sử tác giả Bùi Hữu Nghĩa
(1807-1872)
Bùi Hữu Nghĩa, có tên cũ là Quang Nghĩa, vì đậu Giải nguyên khoa thi hương tại trường thi Gia Định (1835), nên thường được gọi là Thủ khoa Nghĩa, hiệu Nghi Chi. Quê gốc : làng Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay là Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ). Xuất thân từ một gia đình làm nghề chài lưới, nhà nghèo, nhưng Bùi Hữu Nghĩa thông minh, ham học. Ông được bổ làm Tri phủ Phước Long (Biên Hòa), sau đổi sang Trà Vang (Vĩnh Long). Vốn bản tính cương trực, liêm khiết, lại hay bênh vực người nghèo nên ông bị bọn quan lại cường hào địa phương dâng sớ về triều hạch tội. Ông bị khép vào tội xúi dân làm loạn, bị kết án tử hình. Nhờ có vợ hiền là bà Nguyễn Thị Tồn lặn lội ra tận Huế kêu oan, ông mới được tha tội chết, nhưng bị đày đến đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc) làm lính, sau lên phó quản đồn. Chán cảnh quan trường thối nát, ông viện cớ tuổi già, sức yếu, xin nghỉ về làng cũ dạy học, làm thơ. Khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, ông không trực tiếp cầm quân đánh giặc, nhưng tích cực ủng hộ các cuộc khởi nghĩa. Nhà ông trở thành nơi gặp gỡ, bàn bạc việc cứu nước của những sĩ phu tâm huyết. Đồng thời ông hợp lực cùng Phan Văn Trị, dùng đòn bút chiến đấu chống lại những kẻ đầu hàng như Tôn Thọ Tường. Bùi Hữu Nghĩa mất năm 1872 tại quê nhà. |
Sự nghiệp văn chương của Bùi Hữu Nghĩa khá rực rỡ, đương thời ở Nam Kỳ có câu ca rằng: “Đồng Nai có bốn rồng vàng Lộc họa, Lễ phú, Sang đờn, Nghĩa thi”, chứng tỏ thi tài của Ông được đánh giá rất cao. Bùi Hữu Nghĩa để lại ba vở tuồng: Kim Thạch kỳ duyên, Tây du, Mậu tòng ( hai vở sau hiện còn thất lạc, chưa tìm được), một số bài văn tế Nôm (tế vợ, tế con gái) và một số bài thơ Đường luật bảng chữ Hán và chữ Nôm.
Kim Thạch kỳ duyên là một kịch bản tuồng, được viết trong thời gian Bùi Hữu Nghĩa cáo quan về dạy học tại quê nhà, in lần đầu năm 1895. Vở tuồng có ba hồi, kể lại mối duyên kỳ ngộ giữa Kim Ngọc và Thạch Vô Hà. Kim Ngọc là con quan Tri phủ Bồ Châu, văn võ song toàn, đã được gia đình ước hẹn nhân duyên với Lâm Ái Châu từ trước. Một lần, hai cha con đang đi đường thì bị bọn cướp chặn đánh, người cha bị chúng bắt mang đi, còn Kim Ngọc liều nhảy xuống sông, lại được tiên cứu nên thoát chết. Kim Ngọc tìm đến nhà họ Lâm nương nhờ. Nhưng thấy tình cảnh chàng như thế, Ái Châu thay lòng đổi dạ, xúi mẹ đem Thạch Vô Hà là một cô hầu gái, con một ông lang nghèo, gả thế cho chàng. Thật may cho Kim Ngọc, Thạch Vô Hà đẹp người tốt nết, đã tận tình chăm sóc, tần tảo nuôi chồng ăn học. Đến khoa thi, Kim Ngọc đỗ Trạng nguyên. Quan Tể tướng đương triều muốn gả con gái cho chàng, nhưng Kim Ngọc kiên quyết chối từ. Tể tướng tức giận, bèn tâu vua cử quan tân trạng đi đánh giặc. Kim Ngọc đã đánh thắng giặc và nhân đó biết thêm được rằng chính Tể tướng là người đã thông đồng với giặc, làm nội ứng cho chúng. Chàng về triều hạch tội, Tể tướng bị xử tội chết. Lúc này Lâm Ái Châu đã lấy con trai một viên quan tham nhũng, giàu có. Chẳng bao lâu sau, cha con hắn đều bị bắt tội. Ái Châu không nơi nương tựa, phải đi làm con ở cho ngay chính vợ chồng Kim Ngọc. Thạch Vô Hà vốn từ tâm, thấy vậy rất ái ngại, có ý muốn nhường ngôi chính thất cho Ái Châu, nhưng Kim Ngọc không chịu. Còn Ái Châu thì trâng tráo tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích, đến nỗi Kim Ngọc giận quá phải đuổi đi. Cùng đường, Ái Châu phải bán thân nuôi miệng chốn lầu xanh, rồi mắc bệnh phong tình mà chết. Kim Ngọc bất ngờ lại gặp được cha, cả gia đình đoàn tụ, vĩnh hiển, hạnh phúc. ,
Kết cấu truyện xoay quanh một cuộc nhân duyên tuy “kỳ ngộ” nhưng tốt lành. Tích truyện tuy xảy ra ở đời Tống xa xưa nơi đất Trung Hoa, nhưng qua bước đường đời của hơn 20 nhân vật, tác giả đã dựng lại được bức tranh toàn ảnh về một xã hội không khác gì xã hội Việt Nam thuở đó : quan lại sâu mọt; bán nước hại dân để mưu lợi ích riêng, xã hội suy đồi, rối ren, loạn lạc, bọn cướp ngang nhiên hoành hành, thậm chí có lúc còn khuynh đảo cả kinh thành, người ngay thẳng bị hãm hại, kẻ bất nghĩa bất nhân thì mặc sức tác oai tác quái. Đó là những điều mà Bùi Hữu Nghĩa từng trải nghiệm trong suốt cuộc đời không mấy bình lặng của mình, từng thể hiện nỗi bất bình một cách quyết liệt đến nỗi suýt nguy tới tính mạng. Nội dung ấy được thể hiện bởi một cây bút già dặn, một nghệ thuật ngôn ngữ khá sắc sảo, nên ít nhiều đã khắc họa được tính cách nhân vật sinh động. Tác giả lại khéo sử dụng nhiều thể loại văn thơ : phú, thơ Đường luật, thơ lục bát và cả vè nữa, làm cho vở tuồng phong phú và hấp dẫn hơn. Bởi thế, kịch bản tuồng của ông được người đương thời ưa thích và đánh giá cao.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác