Tiểu sử Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790)
Nhà văn Nguyễn Huy Tự lúc nhỏ tên là Yên, tự Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai, thụy Thông Mẫn. Ông sinh tháng Bảy, năm Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), mất tháng Bảy năm Canh Tuất (1790).
Nguyễn Huy Tự sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học và khoa hoan tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Nguyễn Huy Oánh, đỗ đình nguyên Thám hoa khoa thi năm Mậu Thìn (1748), làm quan đến Thượng thư bộ Công. Chú ông là Nguyễn Huy Quýnh, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1722), làm quan đến Đốc thị đạo Thuận Quảng. Ông kết duyên cùng hai bà vợ là Nguyễn Thị Bành và Nguyễn Thị Đài, đều là con gái Toản quận công Nguyễn Khản. Trong số các người con của ông, có nhà thơ Nguyễn Huy Hổ, tác giả Mai Đình mộng Ký. Năm 17 tuổi (1759), Nguyễn Huy Tự dự kỳ thi hương và đỗ thứ 5. Năm 1767, được bổ Hồng lô tự thừa và năm sau ra làm Tri phủ Quốc Oai. Năm 1770, dự kỳ thi hội nhưng chỉ trúng tam trường, được nhậm chức Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam. Đến 1774, ông xin cải bổ sang ban võ. Năm 1778, vâng mệnh đến trấn thủ xứ Hưng Hóa. Năm sau, được đặc cách phong Tiến triều ứng vụ (liệt ngang Tiến sĩ), rồi làm Hiệp lý lương hướng Sơn – Hưng – Tuyên kiêm Hàn lâm viện hiệu thảo. Tiếp đó, làm Đốc đồng Hưng Hóa, tham gia dẹp Hoàng Văn Đồng ở Tụ Long. Năm 1781, ông làm giám đăng kiểm ấn quyển kỳ thi hội. Nam 1782, đổi bổ làm Thành hình hiến sát sứ Sơn Tây, rồi Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, Tước Uẩn đình hầu. Năm 1783, ông về quê chịu tang mẹ vợ và do tình hình triều chính lúc đó có nhiều biến động, ông đã ở lại quê giúp cha biên chép sách vở ở Thư viện Phúc Giang mà không ra làm quan nữa. Sau sự kiện Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huy Tự được nhà Tây Sơn mời, ông đã vào Phú Xuân làm quan với chức Hữu Thị lang bộ Binh, đến tháng Bảy năm 1790, ông mất.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790)
Hoa tiên là một truyện thơ Nôm có lẽ được Nguyễn Huy Tự sáng tác khi ông còn trẻ, khoảng 1766 – 1770. Sang đầu TK XIX, Nguyễn Thiện tiến hành nhuận sắc và đến 1875, bản này được in với tiêu đề Hoa tiên nhuận chính. Đến khoảng 1828, Vũ Đài Vấn lại nhuận sắc một lần nữa, rồi có thể Cao Bá Quát cũng sửa chữa thềm vào năm 1841. Mãi đến khoảng 1943, Đào Duy Anh mới tìm thấy Hoa tiên nguyên tác của Nguyễn Huy Tự. Nguyên tác gồm 1.532 câu lục bát, trong đó câu 13 chỉ còn 1 chữ và câu 1.531 chỉ còn 2 chữ, và đoạn cuối bị rách mất vài tờ. Theo mạch truyện thì tác phẩm có thể thiếu vài chục câu nữa.
Nguyễn Huy Tự sáng tác Hoa tiên dựa theo cốt truyện của một ca bản vùng Lưỡng Quảng gồm 60 hồi, có thể tóm tắt như sau: Lương sinh, húy Phương Châu, tự Diệc Thương, là con quan Tể tướng Lương Ấn Bá và bà họ Diêu, quê ở Ngô Giang, Tô Châu. Khi chàng lớn, cha đang ở kinh, bèn lấy cớ du học, xin mẹ sang quê ngoại ở Tràng Châu để có cơ hội tìm người đẹp. Vào phủ Diêu chúc thọ, Lương gặp người em họ là Diêu sinh. Khi Diêu sinh về, còn một mình chàng thơ thần dưới trăng và lạc bước sang Mẫu Đơn đình. Trong đình, Lương thấy hai tiểu thư khuê các cùng các a hoàn đang chơi cờ. Đó chính là Dao Tiên và Thái Cơ. Khi nhận ra có người lạ, hai tiểu thư bèn bỏ vào nhà. Dao Tiên sai Bích Nguyệt ra vườn thu cờ. Nguyệt ra, Lương còn thơ thần ở đó. Chàng nhờ Nguyệt dẫn lối chỉ đường đến với người mặc xiêm trắng là Dao Tiên, nhưng Nguyệt từ chối. Sáng ra Lương hỏi bà mợ, mới biết đấy cũng là những người họ hàng đến chúc thọ, Thái Cơ thì đã dạm hỏi cho Diêu sinh, còn Dao Tiên là con quan Dương đô đốc cùng phủ. Đêm đến, Lương lại ra đình Mẫu Đơn nhưng các tiểu thư đã dời phủ Diêu về nhà.
Lương dò hỏi được nơi ở của Dao Tiên, bèn tìm đến mua một trang viên sát cạnh, để có điều kiện qua lại. Lương rủ Diêu đem thiếp đến thăm Dương Đô đốc. Đô đốc nhận ra trước kia có học cùng với cha Lương sinh và mời Lương ra đình Vọng Ba. Ở đình Vọng Ba có bài thơ vịnh liễu của Dao Tiên, Dương công mời Lương sinh họa lại. Lương họa thơ và còn lén giấu một tờ hoa tiên. Về nhà, Lương càng si mê, tơ tưởng. Một bữa, Dao Tiên cùng Vân Hương, Bích Nguyệt ra đình, thấy bài thơ họa. Hai người hầu gái khen : sao lại giống như tài tử – giai nhân sánh vai nhau đến thế ? Dao Tiên mắng át đi. Dương công sang chơi đáp lễ nhà Lương sinh, lại cho mở một lối thông giữa hai vườn để kết tình thân. Vân Hương ra vườn sau, thấy cái cửa thông, bèn bước sang. Vừa hay gặp Lương, Lương giãi bày với Vân Hương tâm sự của mình từ khi gặp bên cuộc cờ và van nài Hương giúp. Hương động lòng nhận lời, về nói lại với Dao Tiên. Dao Tiên nói Lương sinh là con nhà đại gia sao không nhờ mối lái cho đàng hoàng ? Lương mong ngóng tin Hương bèn sang vườn nhà Dương công khẩn nài Hương giúp nữa. Dao Tiên cùng các thị tì ngắm trăng, ngắm cảnh thu, nhìn cảnh vật chuyển dời mà chạnh nghĩ đến thân phận con người bèn xúc động, lại nghĩ đến lời Hương, Nguyệt, nhớ tới Lương sinh. Biết Dao Tiên đã chạnh lòng, các thị tì bèn dẫn nàng sang vườn bên gặp Lương sinh. Thấy Lương, Dao Tiên đã định quay gót nhưng chàng đã chặn ngang bày tỏ nỗi lòng. Sau cuộc gặp, Lương sinh càng thêm sỉ tưởng. Dao Tiên cũng u buồn, nàng bày tỏ nỗi lòng với các thị tì, bỗng… có tiếng sáo từ đâu đó vọng lên, nàng lại cùng các tiểu hoàn ra ngắm trăng. Vườn bên, nghe tiếng sáo, Lương sinh cũng dạo bước ra và chàng đã vượt cửa đến chỗ Dao Tiên. Hai bên gặp nhau, cùng thể thốt.
Nhưng cả Lương sinh và Dao Tiên đều không biết rằng, trên đường về quê trí sĩ, Lương công và Lưu Lại bộ đã nói chuyện với nhau và Lưu Lại bộ đã hứa gả con gái mình là Ngọc Khanh cho Lương sinh. Nghe tin cha về, Lương sinh từ biệt Dương công và Dao Tiên trở lại nhà. Đến nhà, Lương sinh mới biết chuyện hứa hôn giữa mình và Ngọc Khanh, nhưng chàng không dám cưỡng lời cha mẹ. Ở bên này, Dương công lâu lâu không thấy Lương sinh, bèn hỏi Diêu. Diêu sinh đem chuyện nói lại. Dao Tiên nghe được, nàng mắng mỏ các thị tì, trách Lương bạc tình và đốt hết các kỷ vật, chỉ giữ lại tờ hoa tiên thệ biểu. Vừa lúc Dương công “chuyển nhậm thăng kinh”, lại nhận được lệnh đem quân ra biên ải chống giặc, ông bèn đem gia quyến đến ở nhờ dinh của người bà con họ Tiền làm quan ở Hàn lâm viện.
Lương sinh quay lại Tràng Châu, thì Dao Tiên cùng gia đình đã đi rồi. Chàng cực kỳ đau khổ. Ngoài biên, Dương công bị giặc vây, đang gặp nguy khốn. Diêu sinh hết sức can ngăn Lương và khuyên chàng đi dự thi. Hai anh em đi thi, đều đỗ đạt. Diêu được bổ làm quan ngoài, còn Lương được làm ở Viện hàn lâm, lại ở sát ngay tường nhà họ Tiền. Rồi Lương sinh và Dao Tiên lại gặp lại nhau. Nghe Dao Tiên nói Dương công đang gặp nguy, Lương sinh xin ra trận giải vây, nhưng không ngờ chàng cũng bị nguy khốn, có tin về là chàng đã tử trận. Diêu sinh được sai giải lương đến cứu, trước khi đi có sang từ biệt mợ và nói cho họ biết tin về Lương. Dao Tiên vô cùng buồn bã, ông bà Lương cũng làm lễ chiêu hồn cho con, còn Ngọc Khanh thì kiên quyết thủ tiết. Trong khi đó, Lương vẫn còn Ở trong vòng vây của giặc và ra sức nghĩ kế phòng thủ. Nhà họ Lưu khi nghe tin Lương chết, bèn trả lễ vật và ép con gái lấy Lam công tử. Ngọc Khanh không nghe, nhảy xuống sông tự tử, nhưng được Long Đề học cứu thoát. Họ Lưu cho người tìm xác Ngọc Khanh.
Lương ở trong vòng vây ra sức cố thủ, lại được Diêu ứng cứu, bèn hợp sức cùng Dương công phá vây, dẹp tan giặc, tấu khải về triều. Cả ba người đều được phong tước hầu. Lưu công tử đến mừng Lương và nói cho chàng biết tình cảnh Ngọc Khanh. Nhà vua đứng ra làm mối gả Đao Tiên cho Lương. Long Đề học đến kinh, tâu vua về việc Ngọc Khanh. Nhà vua cũng cho Lương được kết duyên cùng Ngọc Khanh. Dao Tiên cũng khuyên thêm vào, lại gắn Vân Hương, Bích Nguyệt làm tiểu thiếp. Cả nhà sum họp, đoàn viên vui vẻ…
Tuy có thiếu một số câu cuối, nhưng nếu so với cả bản thì Hoa tiên cũng đã khá trọn vẹn. Đây là truyện Nôm đầu tiên ở Bắc Hà có tên tác giả. Nguyễn Huy Tự cũng là tác giả đầu tiên viết về một câu chuyện tình lãng mạn, đầy chất – thơ, khi tình yêu đôi lứa (tài tử – giai nhân) đang trở thành đề tài có tính chất thời đại trong sáng tác văn học. Tình yêu của Lương sinh và Dao Tiên là một tình yêu nam nữ tự do, hồn nhiên với tất cả những rung động tế nhị, sâu sắc mà không kém phần nồng nàn của tuổi trẻ. Họ đến với nhau mà chưa cần phải có mối lái và chỉ cần sự ngầm giúp của một bên cha mẹ. Sau này, mối tình ấy có được khuôn lại trong lễ chế của nho gia để đảm bảo trung, hiếu, tiết, nghĩa và một sự khuôn lại như vậy không phải không có một ý nghĩa nhất định. Tác phẩm như toát lên một điều rằng : hãy nên trân trọng tình yêu của tuổi trẻ khi đôi lứa tự tìm đến với nhau, nhưng cũng hãy nên có sự tác động đúng lúc của gia đình và xã hội, để hướng dẫn chứ không phải để gò ép và can thiệp thô bạo. Câu chuyện tình yêu với những vẻ đẹp như thế, trọn vẹn và hợp lý như thế đã cuốn hút và hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc từ khi ra đời tới nay. Sở dĩ được như vậy cũng phải nói đến nghệ thuật tác phẩm.
Cốt truyện khá hợp lý và nhiều đoạn có kịch tính khá cao, Hoư tiên đã dọn lại, lược bớt những chỗ rườm rà của ca bản để nói như nhà nghiên cứu Lại Ngọc Cang, tác phẩm đã thiên về “tả và gợi”, chứ không phải chỉ là “kể và thuật”. Thừa hưởng rất nhiều từ ca dao, dân ca nhưng Hoa tiên cũng là tác phẩm góp phần đưa thể lục bát thành thơ lục bát. Chính sức mạnh ngôn ngữ đó đã tạo cho tác phẩm có những trang miêu tả thiên nhiên, cảnh vật, miêu tả tâm lý nhân vật thật sinh động, hấp dẫn,ý vị…
Hoa tiên có ảnh hưởng lớn đến sự xuất hiện kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Với Hoa tiên, Nguyễn Huy Tự là người đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc.
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác