Tiểu Sử Bà Huyện Thanh Quan
Bà huyện Thanh Quan không phải là tên tự, tên hiệu hay bút danh. Chính tên là bà Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, phía bắc Hồ Tây, nay thuộc quận Tây Hồ, thủ đô Hà Nội. Chưa rõ năm sinh và năm mất. Chồng bà là Lưu Nguyên Ôn (1804 – 1847) người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Lưu Nguyên Ôn đã có lần làm Tri huyện huyện Thanh Quan, nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chính vì thế mà bà Nguyễn Thị Hinh được gọi là huyện Thanh Quan. Sau cách gọi đó thành bút danh của bà dưới triều vua Tự Đức. Bà học rộng, thơ hay, nên có lần được vua triệu vào kinh giữ chức Cung trung giáo tập, để dạy học cho các cung phi và công chúa.
Tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan
Thơ Bà huyện Thanh Quan không nhiều. Hiện nay còn lại dăm bảy bài được truyền tụng là của bà, đều là thơ Nôm bát cú luật Đường như: Thăng Long thành hoài cổ, Qua đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Chùa Trấn Bắc, Tức cảnh chiều thu …
Số lượng tác phẩm tuy ít, nhưng thơ bà thể hiện rõ nét một phong cách riêng. Bà tả cảnh là để ngụ tình. Mỗi bài thơ là một nỗi niềm tâm sự ai hoài, luyến tiếc, tuy chưa đến mức tiêu tao, nhưng u buồn lắng đọng. Cảnh chỉ là những nét phác họa của một bức tranh thủy mặc, mang tính tượng trưng ước lệ. Nói cảnh vướng tình là chưa thật chính xác, ở đây tình trùm lên cảnh, lấy cảnh để giãi bày tình cảm chan chứa. Thời gian trong thơ thường là cảnh trời chiều rất dễ gợi thương, gợi nhớ như “bóng xế tà”,”bóng tịch dương”, “bảng lảng bóng hoàng hôn”. Thời gian đượm buồn như vậy, được kết hợp với không gian mênh mang, hiu quạnh, heo hút của một tòa cổ thành, của một dặm liễu sương sa, của một đỉnh đèo chon von đầy mây phủ…càng tăng thêm nỗi nhớ nhung u hoài…
Người đời coi thơ bà là thơ hoài cổ thương kim. Cũng là điều dễ hiểu, bởi vì cha ông bà vốn chịu ơn dày nặng của tiền triều Lê – Trịnh, bỗng chốc đất nước thay thầy đổi chủ ! Không riêng gì bà, nhiều đại thần khác như Phạm Quý Thích, Nguyễn Du… đến với tân triều,không khỏi ngỡ ngàng, lòng trĩu nặng ưu tư. Thi hào Nguyễn Du chẳng đã để lại hai bài thơ chữ Hán Thăng Long I và II đượm màu hoài cổ đó sao ?
Có điều là thơ hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan cũng như của Nguyễn Du buồn mà không bi lụy. Thơ bà chân thành, sâu sắc, dễ gây xúc động, được diễn đạt bằng một hình thức nghệ thuật cực kỳ điêu luyện. Đó là những bài thơ ‘Nôm đậm đà phong vị Đường thi, tạo nên phong cách riêng của bà.
Từ lâu, thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường đã được các thế hệ nhà thơ nước ta Việt hóa. Qua nhiều bước thử nghiệm, từ Nguyễn Trãi đến Hồ Xuân Hương, thơ Nôm luật Đường đã thực sự hoàn thiện và ổn định. Đặc sắc thơ luật Đường. của Bà huyện Thanh Quan vừa sang trọng đài các, vừa phảng phất tâm hồn Việt Nam. Ngoài việc vận dụng luật: thơ nhuần nhuyễn, phải kể đến tài năng sử dụng vốn từ ngữ (cả Hán Việt và thuần -Việt) hết sức: tinh vi và chính xác trong từng văn cảnh, ngữ cảnh, nên giá trị biểu cảm được nhân lên gấp bội.
“Bà huyện Thanh Quan là nữ sĩ thuộc hàng bậc nhất của cả nước, nhưng trước hết bà là nhà thơ của cố đô Thăng Long. Một tấm tình quê lưu luyến dạt dào đối với cựu đô, những ấn tượng đẹp về đất ngàn năm văn hiến, thơ bà là những viên ngọc long lanh điểm tô cho thủ đô Hà Nội, vùng đất kinh kỳ ngàn năm của dân tộc.
Thâm thúy,. tế nhị, giàu suy tư,mà mẫu mực, đĩnh đạc, óng chuốt là những đặc điểm đã tạo nên tính đặc sắc và độc đáo của thơ Bà huyện Thanh Quan.