Tiểu sử nhà văn Bửu Đình
Nhà văn Bửu Đình nhà chí sĩ, tên đầy đủ-là Nguyễn Bửu Đình, bút danh Hà Trì, sinh tại Huế, là cháu bốn đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840). Bửu Đình học chữ Hán từ nhỏ, sau chuyển sang học Quốc học Huế, hết đệ nhị niên thì thôi học. Từ 1922, Bửu Đình bắt đầu tập viết văn, làm thơ. Trong hoàng tộc, ông thuộc số ít người có tư tưởng yêu nước, tán thành và ủng hộ những ông vua có tư tưởng và hành động chống Pháp. Ông cũng là người ủng hộ đường lối cách mạng của Phan Châu Trinh. Năm 1924, Bửu Đình vào Sài Gòn làm báo, chủ bút tờ Tân thế ký, đồng thời là cố vấn và là cộng tác viên đắc lực của Phụ nữ tân văn. Đây cũng là thời kỳ bằng hoạt động báo chí, Bửu Đình đã có dịp phơi bày trước công luận những sự tham nhũng, lũng đoạn và bạo ngược của giới thực dân quan trường, ủng hộ đường lối của Phan Châu Trinh đòi xóa bỏ Nam triểu, thành lập chế độ cộng hòa sau khi Khải Định chết (triều Khải Định 1916 – 1925).
Nhà văn Bửu Đình trước hết là một nhà báo. Ông hoạt động xã hội tích cực bằng việc làm sách và diễn thuyết. Từ sau 1924 tuy chủ yếu ở Sài Gòn nhưng ông thường xuyên ra Huế liên lạc với các chiến hữu, diễn thuyết và vận động nên bị mật thám theo dõi. Năm 1927 ông bị bắt ở Huế, bị kết án về tội chống quân quyền và phản bội hoàng tộc, xúi giục nhân dân làm loạn. Bửu Đình bị đuổi ra khỏi hoàng tộc, phải đổi theo họ mẹ (họ Tạ) và bị đày đi Lao Bảo chín năm. Trong tù, Bửu Đình vẫn giữ vững chí khí, tiếp tục tố cáo thực dân quan lại Nam triều. Ông vượt ngục, nhưng bị bắt lại và bị đày đi Côn Lôn. Tại đây ông quyết tâm đóng bè, vượt biển, vài năm sau thì mất tin tức. Trong một bức thư của ông gửi cho gia đình (do một thầy tu người Thái Lan chuyển) có hai câu thơ : “Vượt ngục không thương vợ con dại, Đậu bè nỡ phụ mẹ cha già”.
Tác phẩm của nhà văn Bửu Đình
Tác phẩm văn học của Bửu Đình hiện còn được biết : Mảnh trăng thu (tiểu thuyết, đăng từng kỳ trên báo Phụ nữ tân văn, về sau in thành sách) được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất thời đó theo một cuộc thăm dò ý kiến của tờ báo đăng tác phẩm này. Tiểu thuyết Cậu Tám Lọ (tiếp theo, như là tập 2 của Mảnh trăng thu) rồi đến Đám cưới cậu Tám Lọ (chưa xuất bản), Sóng hồ Ba Bể, Giọt lệ trí âm là những tác phẩm thể hiện tâm huyết của ông đối với thời cuộc.
Trong những sáng tác của Bửu Đình thì Mảnh trăng thu được người đọc Nam Bộ ưa thích vì bản thân con người nhà văn (gia thế, tư cách) và một phần nhờ vào tính chất ly kỳ của kiểu tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhân vật chính của tác phẩm là một thanh niên nghèo khổ, thông minh, giàu lòng nghĩa hiệp (tên là Tám Lọ). Nhân vật này phảng phất những nét của nhân vật Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, phù hợp với tâm lý người đọc Nam Bộ vốn ưa sự phóng khoáng, “trọng nghĩa khinh tài”.
Cuốn Cậu Tám Lọ khi in ra không được đón chào nồng nhiệt như cuốn trước, có thể vì độc giả càng ngày càng đòi hỏi cao hơn và cách đọc đã khác trước. Có thể xếp Bửu Đình vào thế hệ các nhà văn đầu tiên viết tiểu thuyết bằng quốc ngữ cùng với Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn… những người có công mở đường cho nền văn xuôi mới ở nước ta.