Dàn ý tóm tắt Truyện Kiều:
– Thúy Kiều gặp gỡ và đính ước với Kim Trọng.
– Gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Cuộc đời Kiều bắt đầu mười lăm năm lưu lạc đầy đau đớn, tủi nhục.
– Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều, Kim – Kiều gặp nhau, gia đình đoàn tụ.
Đọc thêm các bài phân tích văn mẫu lớp 10
Bài làm văn mẫu
Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, con gái đầu lòng một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che bên cạnh cha mẹ và hai em là Thúy Vân, Vương Quan. Trong một buổi du xuân nhân tiết Thanh minh, Thúy Kiều gặp Kim Trọng phong tư tài mạo tót vời. Giữa hai người chớm nở một mối tình đẹp. Kim Trọng đến ở trọ cạnh nhà Thúy Kiều. Nhân trả chiếc thoa rơi, Kim Trọng đã gặp Kiều bày tỏ tâm tình. Hai người chủ động, tự do đính ước với nhau.
Trong khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan Kiều nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng còn nàng bán mình chuộc cha. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, đẩy vào lầu xanh, sau đó nàng được Thúc Sinh, một khách làng chơi hào phóng, cứu vớt khỏi cuộc đời kĩ nữ. Nhưng rồi Kiều bị Hoạn Thư, vợ cả của Thư Sinh, ghen tuông, đày đọa. Thúy Kiều phải trốn đến nương nhờ nơ cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà – kẻ buôn người như Tú Bà nên lần thứ hai Kiểu rơi vào lầu xanh. Ở đây, Kiều gặp Từ Hải, một anh hùng đội trời đạp đất. Từ Hải lấy Kiều, giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết, Thúy Kiều phải hầu đàn, hầu rượu Hồ Tôn Hiến rồi bị ép gả cho viên thổ quan. Đau đớn tủi nhục, Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường. Nhưng nàng được sư Giác Duyên cứu và lần thứ hai Kiều nương nhờ cửa Phật.
Sau nửa năm về Liêu Dương chịu tang chú, Kim Trọng trở lại tìm Kiều. Hay tin gia đình nàng bị tai biến và nàng phải bán mình chuộc cha, chàng Kim đau đớn vô cùng. Tuy kết duyên với Thúy Vân nhưng Kim Trọng chẳng thể nào nguôi được mối tình đầu say đắm. Chàng quyết cất công lặn lội đi tìm Thúy Kiều. Nhờ gặp được sư Giác Duyên mà Kim, Kiều tìm được nhau, gia đình đoàn tụ. Chiều ý mọi người, Thúy Kiểu nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai cùng nguyện ước duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
”Truyện Kiều” xoay quanh số phận của một người phụ nữ thuộc loại “dưới đáy cùng” của xã hội – một người phụ nữ đã phải bán mình chuộc cha và bị xã hội dồn đuổi buộc làm kỹ nữ trong chốn lầu xanh. Nguyễn Du đã vượt lên những định kiến xã hội nặng nề để ca ngợi vẻ đẹp hình thể, tài năng, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Vương Thúy Kiều.
Với ”Truyện Kiều,” Nguyễn Du đã chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và dày đặc các khẩu ngữ, ngoa ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được “thuần Việt”. Không ai có thể phủ nhận được rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú, tinh túy và đặc sắc hơn, văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ ”Truyện Kiều.”
Xem thêm các bài phân tích Truyện Kiều