Tiểu sử nhà thơ Cao Bá Nhạ
( ? – ?, TK XIX)
Nhà thơ Cao Bá Nhạ, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc, nay là huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chưa rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông bị bắt vào khoảng 1863, sau khi Cao Bá Quát mất 8 năm. Ông bị triều đình hạ ngục và đày lên miền sơn cước. Thân sinh ông là Cao Bá Đạt, đậu Cử nhân, đang làm Tri phủ Nông Cống (Thanh Hóa) thì bị bắt giải về kinh và đã tự sát. Chú ông là Cao Bá Quát, người lãnh đạo cuộc khởi – nghĩa Mỹ Lương, tử trận, bị kết án tru di tam tộc. Trước thảm họa tuyệt diệt, dù đang theo đòi cử nghiệp, ông phải bỏ Thanh Hóa ra miền núi Hà Đông, giấu họ tên, làm nghề dạy học, hy vọng nối dõi tông đường. Tám năm sau, ông bị kẻ xấu tố cáo tông tích. Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên Nguyễn, Bá Nghi đã ra lệnh bắt ông, tống giam vào cũi, rồi giải đi khắp nơi để đối chất. Cuối cùng, ông bị đày ải trên miền núi rừng và mất năm nào không rõ.
Tác phẩm của nhà thơ Cao Bá Nhạ
Cao Bá Nhạ hình như không có ý định viết văn làm thơ để lại về sau. Hai tác phẩm hiện còn là Trần tình văn bằng chữ Hán và Tự tình khúc bằng chữ Nôm đều do sự bức xúc của hoàn cảnh mà ra đời. Trong thời gian bị bỏ ngục, bị lưu đày, ông dồn sức vào hai tác phẩm này, để góp phần minh oan cho dòng họ Cao, cho thân thế mình, cầu mong được thoát chết. Có thể nói đây là hai bản tố oan hết sức thống thiết.
Trần tình văn viết theo thể văn biền ngẫu, gồm hàng trăm vế, trình bày cụ thể về gia thế, về dòng họ Cao, về ông cha và về cả chú ruột là Cao Bá Quát. Trong tâm trạng như kể trên, Cao Bá Nhạ buộc lòng phải viết những lời khiếm nhã đối với thúc phụ khả kính của mình. Tuy vậy, bản tố oan về cảnh ngộ của bản thân ông là những trang văn xúc động. Ông chỉ cầu mong một cuộc sống nhỏ nhoi, bình thường để nối dài dòng họ Cao mà cũng không được chấp nhận !
Tự tình khúc viết theo thể thơ dân tộc song thất lục bát gồm 608 câu, là một khúc ngâm vang lên dưới thời Tự Đức bê bối. Tự tình khúc cũng có nói đến gia thế, gia phong lừng lẫy một thời của dòng họ Cao : “Dõi đời khoa bảng xuất thân, Trăm năm lấy chữ thanh bần làm bia”, nhưng chủ yếu giãi bày nỗi đau, cảnh khổ và thân phận ngậm oan trôi đạt của chính tác giả. Lời thơ chân thành tha thiết, điêu luyện, giàu hình ảnh và tràn trề cảm xúc đã làm xao xuyến lòng người vì những tai bay vạ gió, vì những nỗi oan kêu trời không thấu, vì những bi kịch éo le…
Trong thời lánh ẩn, tác giả chỉ đeo đuổi một nguồn vui duy nhất là tiếp tục sống yên lành, dùi mài kinh sử: “Thú thôn ổ, ao nghiên ruộng chữ, Màu giang sơn, cơm sử, áo kinh”. Gắn bó cuộc đời hàn nho bình đị với thôn xóm, cỏ hoa: “Chồi tiểu mạch vừa chừng hơn thước, Tay chủ nhân ngày trước vun trồng…”. Thế nhưng tai họa không buông tha, những ác lực cứ rình rập bên mình, sẵn sàng ập đến gây nên bao nỗi kinh hoàng: “Gà eo óc vừa tàn giấc mộng, Nhặng vo ve sực động hồn kính !”, “Năm ba kẻ thước người hèo, Ngõ Nhan lôi cái đan biều đập tan”, “Mới qua là kẻ danh nho, Mà nay đổi dạng tù đồ như chơi !”…
Tự tình khúc vừa bày tỏ nỗi oan xé ruột, vừa là khúc bi ca về tình mẹ con, tình vợ chồng, tình cha con, khi rơi vào cảnh xẻ nghé tan đàn. Khó vượt khỏi một vài hạn chế như tính nhu nhược,… nhưng Trần tình văn và Tự tình khúc vẫn vang lên như một bản án tố cáo vua tôi triều Nguyễn bất nhân tàn bạo
Tham khảo thêm tư liệu các nhà văn, nhà thơ, tác giả khác